Cử tri đánh giá các đại biểu Quốc hội đã 'đi thẳng, xoáy sâu' vào vấn đề ''nóng''
Chính trị - Ngày đăng : 06:54, 31/05/2019
Xử lý những điểm nghẽn, huy động nguồn lực cho phát triển
Ông Phí Văn Dực, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng bày tỏ vui mừng trước những thắng lợi, thành tích nổi bật của đất nước từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến nay, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt, vượt so với mục tiêu Quốc hội đề ra.
Quan tâm đến việc tạo điều kiện phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phí Văn Dực chia sẻ, bên cạnh những kết quả đạt được, một số lĩnh vực khác như: cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự và tính năng động, tiên phong của chính quyền chưa như mong đợi của doanh nghiệp.
Ông Phí Văn Dực đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cải cách, đồng bộ nền hành chính công bao gồm thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh gắn với việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đây cần được xem là "khâu đột phá của đột phá" để xử lý những điểm nghẽn, huy động nguồn lực cho phát triển.
Ông Phạm Văn Thơm, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng và nhiều cử tri khác đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua. Đặc biệt, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm trong bộ máy hành chính; nâng cao niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước, Quốc hội, bộ máy hành chính.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thơm cho rằng, thời gian qua, một số bộ, ngành chưa gắn lợi ích chung, vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ trong xây dựng các văn bản, quy định. Một số nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ...
Ông Phạm Văn Thơm đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, có giải pháp toàn diện, đồng bộ đẩy mạnh cải cách hành chính; phân ra những lĩnh vực đạt và chưa đạt; đặc biệt là việc thực hiện có hiệu quả phương châm hành động 12 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ.
Tăng niềm tin của nhân dân
Cử tri Nguyễn Mạnh, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và tin tưởng rằng, công cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng sẽ được Đảng, Nhà nước chú trọng hơn nữa trong thời gian tới. Cử tri Nguyễn Mạnh thể hiện vui mừng khi thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn, liên quan đến những cán bộ cấp cao đã được đưa ra “ánh sáng”, xử lý nghiêm minh, không bao che, dung túng đã tạo hiệu ứng sâu rộng, có sức lan tỏa, qua đó làm tăng niềm tin của người dân về một chính quyền trong sạch, chí công vô tư, hành động, vì dân.
Cử tri Nguyễn Hoàng Thường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kinh doanh Gas Hoàng Thư, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi nhất trí với quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) khi đề xuất Quốc hội cần quan tâm đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, nhất là cải cách thủ tục hành chính công.
Cử tri Nguyễn Hoàng Thường kiến nghị, các địa phương cần có cơ chế riêng, đặc thù cho doanh nghiệp; cần sâu sát hơn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm ra tiếng nói chung, cùng đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, cần quan tâm đến hướng đi của doanh nghiệp đó, không nên có các chế tài xử phạt hà khắc, làm cho doanh nghiệp không có động lực phát triển.
Cử tri Nguyễn Hoàng Thường đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong cải cách thủ tục hành chính, điều này đã giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xử lý hồ sơ, giấy tờ. Cải cách thủ tục hành chính còn mang lại tính chuyên nghiệp, khách quan, rõ ràng, nhanh chóng, tránh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, lạm quyền “hành” doanh nghiệp khi đến liên hệ công việc.
Thực hiện hiệu quả mô hình "ba nhà"
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm của Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đánh giá cao phần thảo luận của các đại biểu, có tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và đóng góp được nhiều ý kiến vào báo cáo của Chính phủ.
Góp ý kiến về các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương cho rằng cần thực hiện hiệu quả mô hình "ba nhà": nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các hỗ trợ này ở các mặt về chính sách, quỹ vay vốn, công nghệ kỹ thuật
Theo đó, cần lấy các trường đại học là bàn đạp về phát triển khoa học công nghệ ứng dụng cho các ngành công nghiệp như mô hình phát triển của các nước tiên tiến; lập các diễn đàn công nghệ kết nối nhu cầu phát triển sản phẩm, công nghệ của doanh nghiệp với năng lực giải quyết các bài toán kỹ thuật từ các đơn vị nghiên cứu (trường Đại học, viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu)…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương đánh giá các nghiên cứu từ trường đại học chưa bám sát theo yêu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng nên khó thương mại hóa, chuyển giao công nghệ. Cần thức hiện theo phương thức đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp đến trường đại học để tăng tính ứng dụng của nghiên cứu; thành lập các nhóm và mạng lưới kết nối các nhóm nghiên cứu ứng dụng mạnh trong các trường đại học để tăng khả năng kết nối với doanh nghiệp tại Việt Nam.Nhà nước cần chú trọng về kết nối đầu ra cho nông sản xuất khẩu; tăng chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu, chú ý ở các khâu sản xuất sạch, tư vấn công nghệ cho nhà nông, giám sát chất lượng; đặt hàng nghiên cứu kỹ thuật bảo quản nông sản tốt hơn, tăng cơ hội xuất khẩu nông sản, giảm hư hỏng, giảm sử dụng hóa chất bảo quản.
"Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt hơn từ nông sản để tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người trồng; tạo ra các chiết xuất để làm nguyên liệu tinh dễ dàng xuất khẩu, sử dụng trong nước, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao", Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương kiến nghị.
Theo TTXVN