Con chuồn ớt bay trong nắng

Truyện ngắn - Ngày đăng : 14:14, 02/06/2019

Gã rút nhẹ, bộ quần áo hải quân đã nằm gọn trong tay, con chuồn ớt đang lim dim trên ngọn sào giật mình bay chơi vơi trong nắng vàng.



Gã rút nhẹ, bộ quần áo hải quân đã nằm gọn trong tay, con chuồn ớt đang lim dim trên ngọn sào giật mình bay chơi vơi trong nắng vàng.

Nấp tạm vào sau chân đống rơm, chưa đầy hai phút, chui ra, gã đã biến thành chú lính biển. Quân trang vẫn như mới cứng còn thơm mùi vải phả nhẹ lên cánh mũi, dễ chịu vô cùng. Không còn là đi, chẳng phải chạy nhưng bàn chân gã cứ nhẹ tênh tênh, lướt trên giậu cúc tần lúp xúp, lướt trên vệ cỏ, cỏ may, cỏ gà níu đầy ống quần, nở hoa li ti, đâm nhồn nhột bắp chân.

Con chuồn ớt vẫn bám theo, lảng vảng trên đầu, lượn vòng tròn đồng tâm lúc rộng lúc hẹp.

Hồi bé, gã đã suýt ngất vì chơi cái bài cho chuồn chuồn cắn rốn mong biết bơi. Khi con chuồn chuồn được gỡ ra khỏi lỗ rốn sâu như cái giếng, miệng nó đã đỏ lòm máu. Về nhà, gã sốt tới mấy ngày, lỗ rốn sưng tướng như quả ổi. Rồi cũng sặc sụa vì nhiều lần uống nước ao nước sông, cũng suýt đuối nước vài lần thì gã mới biết bơi. Rồi thì gã lại cùng thằng Bí chạy tồng ngồng cạnh bờ sông khua đám cỏ dại loạn xị cho bọn chuồn đang bay thấp phải bay lên, bay cao mãi, để cho trời nắng, con chuồn nào không chịu bay cao, gã và thằng Bí tóm sống, vặt cánh, cho trần như nhộng, nghịch chơi. Ấy thế mà hôm sau trời vẫn mưa, lũ chuồn chuồn không chừa, cứ bay là là mặt người, chẳng sợ vặt cánh.
Gã lớn rồi, trò đuổi chuồn chuồn lâu rồi gã không chơi. Giờ nhìn thấy nó lượn như máy bay do thám trên đầu, gã ngứa mắt, vung tay chộp. Con chuồn ớt này bám dai hơn đỉa đói, nó theo gã từ trong sân, mắt nó nhìn gã lồi cả ra, nó đang đậu trên dây phơi nơi có bộ quần áo hải quân, việc gã rút bộ quần áo đã phá tan giấc mơ trưa của nó. Nó cứ bám theo, như một mũi tên đỏ vu vu trên đỉnh đầu. Gã chộp hụt ba lần, trời đang buông nắng ngọt ngào, nào có dễ để tóm được khi bộ cánh của chuồn chuồn mỏng manh nhẹ tênh như thế.

Ra tới luỹ tre đầu làng mà con chuồn chuồn vẫn đeo đuổi gã. Cành tre tua tủa gai rơi bên vệ đường, gã cầm lên mà vút lên trời, con chuồn ớt lướt qua vai gã, bay đậu lên ngọn tre là là mặt ao, ngước hai mắt lồi nhìn về phía đường làng chỗ có gã vẻ thách thức. Gã đã tức sủi bong bóng bụng. "Tao vừa nhìn thấy một chú bộ đội hải quân xong". Góc ao phía tây chợt vang tiếng trẻ con. Theo quán tính, gã lướt nhẹ, nép mình vào bụi tre, đánh mắt quan sát đông, tây, nam, bắc. "Đâu, đâu?". Hấp tấp, tiếng đứa con trai khác. "Đúng thật là tao vừa nhìn thấy có một chú bộ đội hải quân hẳn hoi mà". Giọng hốt hoảng vẻ nuối tiếc, đứa con gái quả quyết lại. Thế là đồng thanh chúng rối rít cất tiếng gọi, chú bộ đội hải quân ơi, chú bộ đội hải quân ơi!

Mấy giọt mồ hôi đã toát ra rơi lã chã hai bên thái dương. Gã biết không phải do trời nắng, mà do những tiếng rối rít như bầy gà con càng lúc càng to kia. Gã càng nép sát vào bụi tre như muốn trốn, đánh mắt nhìn lại cái ngõ xóm dài hun hút mà gã vừa ra khỏi, nhìn ra đường làng rộng thênh thang nắng, tịnh không thấy bóng chú bộ đội hải quân nào.

Một bàn tay chạm vào vạt áo gã mà níu, gã rùng mình. Hai đôi mắt đen to như những hạt nhãn nhìn gã một cách hốt hoảng, của con bé lũn cũn như một cây nấm và thằng bé cao hơn con bé một cái đầu. "A, chú bộ đội hải quân đây rồi". "Chú?", gã lắp bắp. "Chú bộ đội hải quân ơi! Chú…".

Thì ra chúng tìm gã, chúng gọi gã. Chú bộ đội hải quân là gã. Gã đánh mắt ra phía cây tre đang la ngọn xuống mặt ao, con chuồn ớt đã không còn ở đó. Không có ai ở đây, chỉ còn hai đứa trẻ con. Gã tự tin hẳn, lòng thấy tự hào, dù sao ngày bé gã cũng từng mơ lớn lên được làm chú bộ đội hải quân cầm súng để canh gác biển đảo, nhưng hắn học dốt, lại lêu lổng... giờ được bọn chúng tôn vinh là chú bộ đội hải quân cũng thấy sướng. Ngắm lại mình, phủi phủi cọng rơm còn rớt trên vai lúc vội vã nhảy qua khỏi hàng rào cúc tần để đi ra đường, chính gã, không ai khác ngoài gã vào đây, là chú bộ đội hải quân. Bộ quân phục gã mặc vừa như thước thợ đo ni làm cho cái dáng cao cao của gã khoe ra trong mắt bọn trẻ. Gã lập tức e hèm. "Ừ, chú chào mấy đứa. Thế đang trưa nắng vắng vẻ, hai đứa không ngủ ra bờ ao chơi làm gì?". "Chú bộ đội hải quân ơi, chú cứu thằng Muối đi!".

Chợt nhớ ra, hai đứa nó cuống cuồng giục, chúng thi nhau cùng lôi gã ra phía góc ao nơi có đám bèo tây nở hoa tím, sóng nước vẫn lao xao. "Thằng Muối đã ngủ lâu dưới ao mà chẳng thấy lên". Gã thấy sởn da gà. "Ngủ dưới ao?". "Chúng cháu đi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn tập bơi, thằng Muối bắt được con chuồn ớt, cho cắn xong, rồi nó lao ngay xuống ao, nó bơi một lúc, rồi nó còn lặn, mãi chẳng thấy nó lên". "Chết cha, chắc bị đuối nước rồi. Nó lao xuống từ đâu?". "Từ chỗ gốc cây dành dành này". Gã chỉ kịp ném chiếc điện thoại và túi quần áo cũ của gã xuống vệ cỏ, rồi lao vút xuống nước như mũi tên, mặt ao dậy sóng, ngầu bùn, bèo xé ra từng mảng. Gã lúc nổi lên lúc chìm xuống như con cá, trên bờ, hai đứa trẻ đứng sát vào nhau mà cứ run sần sật, mắt không rời mặt ao.

Lúc lâu sau thì chúng nhìn thấy gã trồi lên đang lao vào bờ, tay ôm theo thằng Muối, chúng chạy lại gốc dành dành giúp gã đưa bạn lên bờ. Gã muốn nằm vật ra cỏ, cuộc bơi lặn để tìm nạn nhân đã khiến gã quá mệt, hai nữa là gã không phải là kẻ bơi lặn thạo gì cho cam. Tuần trước, thằng Bí cho gã tập sự đánh quả năm mét vải ka ki ngang chợ Đông phải bơi qua ao để thoát, gã cũng suýt đuối nước vì đoạn sông khá dài, thằng Bí bĩu môi chế giễu cho gã xuống sông không chóng thì chày sẽ chổng mông giã gạo. Nhưng giờ, gã đã đưa được thằng bé tên Muối lên bờ, lại nhìn thấy thằng bé mặt tái mét, mắt nhắm nghiền, chân tay lạnh ngắt, gã phải vùng dậy xốc ngược thằng bé lên vai chạy mấy vòng quanh ao. Nước từ mồm thằng Muối ộc tuồn tuột trên vai gã, chân gã muốn bại đi, nhưng phía sau lưng hai đứa bé cứ lũn cũn chạy theo gọi Muối ơi, Muối ơi, như muốn thúc cho gã cố chạy mấy vòng nữa. Ngày xưa, có lẽ lúc anh Bê hàng xóm tóm được gã đang phập phồng giã gạo dưới ao, anh cũng vác nó chạy như thế, chạy cho tới khi anh ngã khuỵ xuống thì gã bật tiếng ho sặc sụa. Có tiếng ho trên lưng gã. Và tiếng kêu của hai đứa trẻ chạy hộ tống sau lưng, "nó ho rồi, nó tỉnh rồi chú bộ đội hải quân ơi!".

Thằng con trai cởi áo để lau khô người cho Muối. Còn cởi quần cộc nhường cho bạn mặc, nó còn cái quần đùi thủng đít, đứa con gái cũng lột phăng cái áo hoa khoác cho bạn, nó mặc cái áo khoét nách có vài miếng vá. Muối đã thều thào vài câu nghe không rõ. Gã cõng Muối về tới ngôi nhà nó ngay đầu làng, đặt nó xuống cạnh cái cổng tre vẹo vọ, rồi dặn ba đứa từ nay không được đi chơi xa, không được ra ao tập bơi khi không có người lớn. Không phải cứ chịu đau cho chuồn chuồn cắn rốn mà nhảy xuống ao là đòi biết bơi ngay được, muốn biết bơi phải trải qua một chặng tập luyện dài dài. Bọn chúng nghe gã căn dặn, gật đầu lia lịa như bổ củi. Xong, đứa con gái vẫn hỏi: "Chú bộ đội hải quân bơi giỏi quá, thế ngày xưa chú có cho chuồn chuồn cắn rốn không?". "Cái đó thì có. Chuồn chuồn có cắn rốn chú".

Phía sau gốc đa, thấp thoáng có bóng người gánh gồng ra đồng, gã đành lấy lý do đã muộn phải tạm biệt lũ nhóc để ra về. "Ngày mai chú bộ đội hải quân lại lên tàu ra đảo đúng không ạ?", vẫn đứa con gái. Những đứa con gái, dù nhỏ tuổi cho đến lớn tuổi vẫn luôn đặt những câu hỏi bất ngờ. "Ờ… sao bé biết hay vậy?". "Cháu nghe ông cháu về kể có chú bộ đội hải quân con bạn ông về nhà chơi mai lại phải ra đảo rồi, nên vừa gặp là cháu nhận ngay ra chú đấy". "Ờ…". "Thế mà chỉ vì cứu Muối, bộ quần áo hải quân của chú ướt nhoẹt hết rồi. Làm sao bây giờ?". "Thì thế, chú phải về giặt lại đồ để mai còn kịp".

Nêu lý do chính đáng xong, gã chạy vội đi thật nhanh, gã vẫn loáng thoáng nghe sau lưng có tiếng mấy người lớn xuýt xoa an ủi thằng Muối không sao là may rồi. Hình như có tiếng người hỏi ai đã cứu thằng Muối, tiếng bọn trẻ léo nhéo bảo chưa kịp hỏi tên chú bộ đội hải quân. Người ta định tìm gã thì không thấy bóng dáng gã đâu. Gã ngoặt rẽ qua mấy ngõ xóm, tới một cái ao vắng vẻ rậm rạp cây cối, gã lựa chỗ kín trong vườn cây chui vào cởi bộ quần áo hải quân ra, rồi vội vã lội xuống mé ao rũ thật sạch. Gã đút vào cái túi và xách đi nhanh hơn chạy. Gần tới hàng rào cúc tần lưa thưa lúc trước, gã nghe có tiếng vu vu, thì ra là con chuồn ớt lúc nãy đang bay trong nắng, vẽ vòng tròn ngay trên đầu gã khiến gã hoa cả mắt.

Điện thoại rung lên. Thằng Bí gọi. Gã giật mình chợt nhớ đã quá giờ tới điểm hẹn.“A lô!”. “A lô cái đầu đất nhà mày! Hôm nay tao dẫn mày ra mắt đại ca để nhập đội mà mày trễ giờ hẹn tới một tiếng đồng hồ rồi!”. “Ừ, tại tao…”. “Tại cái mặt mày. Thế mày đã cuỗm được bộ quân phục ấy chưa? Đây là sản phẩm để ra mắt đại ca đấy. Mà mày biết rồi, đại ca từ lâu vẫn thích bộ quần áo hải quân như thế nào, có nó mày sẽ được kết nạp vào đội Bên lề ngay, anh em giang hồ sẽ coi trọng mày hơn. Chém êm rồi thì chạy ra ngay bến đi, chỗ mấy toa xe khách hỏng phía tây đấy”. Tay gã vẫn ôm bộ quân phục ướt, gã hít một hơi thật sâu, đoạn trả lời. “Có động… tao không lấy được”. “Thằng ngu. Có bộ quần áo mà không cuỗm được thì làm được trò trống gì? Về mà bú tí mẹ cho lành nhé!”. Thằng Bí chửi tục rồi tắt phụt máy.

Gã cũng tắt máy, gã đứng im lặng nhìn lên không trung ngập nắng, thấy con chuồn ớt đã bay qua hàng rào cúc tần chấp chới trên ngọn sào chống dây phơi. Gã thở ra một cái thật mạnh rồi quyết định. Trưa vẫn thanh vắng, trong nhà vẫn có tiếng võng đưa kẽo kẹt, gã lặng lẽ bước lại cái cổng nhỏ rồi đi vòng ra phía sau đống rơm, tới chỗ dây phơi quần áo, rón rén giơ tay vắt lại bộ quần áo hải quân ngay ngắn lên dây phơi rồi lẹ làng trở ra. Ra tới ngoài cổng, gã khẽ huýt sáo một điệu khe khẽ. Lần đầu tiên trong đời, gã được gọi là chú bộ đội hải quân, cảm giác sung sướng cứ tơn tớn xô đến đầy trong lòng. Gã lại nhớ, ngày xưa còn bé, gã cũng đã từng cho chuồn chuồn ớt cắn vào lỗ rốn để tập bơi.

Gã quay lại nhìn bộ quần áo hải quân phơi giữa khoảng sân ngập nắng, thấy con chuồn chuồn ớt đã đậu xuống ngọn sào đang lim dim mắt nhìn vu vơ.

Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG