Việc nên làm
Chính trị - Ngày đăng : 08:32, 05/06/2019
Mấy năm gần đây, một số tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở tiến hành đại hội nhiệm kỳ, đại hội thi đua và hội nghị tổng kết công tác năm đã được ngân sách địa phương cấp theo quy định, nhưng vẫn kêu gọi mỗi đại biểu đóng góp từ 100.000 - 120.000 đồng để liên hoan. Việc làm này đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều.
Người đồng ý thì hết lời ca ngợi, cho đây là việc làm mới, biết khai thác tiềm năng và vai trò gương mẫu của các đại biểu, góp phần quan trọng vào thành công của đại hội. Sáng kiến này cần được phổ biến rộng rãi trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.
Ngược lại, có người phản đối, cho rằng đây là việc làm thiếu cân nhắc, “lợi bất cập hại” cần xem lại. Tại sao xã hội hóa nguồn kinh phí cho đại hội lại không vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hay cán bộ, hội viên có thu nhập cao mà lại nhằm vào các đại biểu. Đại biểu là những người hăng hái nhất, vất vả nhất, có nhiều công lao nhất. Lẽ ra họ phải được chăm lo chu đáo, đầy đủ hơn thì lại phải bỏ tiền túi để tổ chức bữa liên hoan “chào mừng đại hội”. Vì thế có đại biểu khách mời đến dự hết chương trình đại hội nhưng đã khéo léo từ chối không dự bữa cơm “thân mật” đó.
Mặt khác, Ban tổ chức kêu gọi đại biểu đóng góp nhưng chưa nghĩ tới đời sống của một số người rất khó khăn. Mức đóng mỗi suất liên hoan của họ gần bằng mức ăn cả ngày của gia đình họ. Hỏi như thế còn vui sao được?
Lại nữa, vì rất nhiều lý do như đời sống của một số đại biểu còn eo hẹp, tư tưởng của một số người còn cấn cái, tâm lý của một số đại biểu khác sợ bị mất điểm thi đua, sợ bị coi là người kẹt sỉ, kẻ ngãng đường, không gương mẫu, thiếu tinh thần xây dựng… nhưng chẳng ai để ý, cũng không phản ánh, nói thẳng, nói thật những vướng mắc, vấn đề tưởng là “dân chủ” mà lại hóa ra “bắt buộc” ấy. Chuyện này chẳng khác nào chuyện có trường học phấn khởi thông báo 100% số phụ huynh học sinh “tự nguyện” ủng hộ một số khoản thu quan trọng, nhưng ngay sau đó phải hoàn trả vì “kêu gọi” đóng góp đó trái với quy định của ngành và địa phương. Vậy thì không thể đánh giá chủ trương này được toàn thể đại biểu đồng tình ủng hộ.
Thực tế các đại biểu không phản đối việc xã hội hóa kinh phí cho đại hội, mà chỉ không nhất trí việc xác định đại biểu là đối tượng duy nhất để vận động, quyên góp.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung, Ban tổ chức thanh toán đầy đủ tiêu chuẩn cho các đại biểu do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm là quý lắm rồi. Việc tổ chức ăn uống lúc này không phù hợp với cuộc vận động chống tham nhũng, lãng phí đang diễn ra mạnh mẽ và được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Có đại biểu đã đề xuất một ý kiến rất đáng ghi nhận: Hạn chế đến mức tối đa việc ăn uống sau hội nghị và trong các ngày lễ, Tết. Mặt khác, phải tổ chức thật tốt những buổi giao lưu gặp mặt, trong đó có những bữa cơm đại đoàn kết giàu ý nghĩa của hội viên, đoàn viên và bà con xóm phố. Làm được như vậy sẽ tạo nên một mối quan hệ mới, sức mạnh mới, gần gũi, hiểu biết và gắn bó với nhau hơn từ cơ sở, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm xây dựng quê hương, đất nước.
LÊ MINH DŨNG (TP Hải Dương)