10 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện công bố hết dịch
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:39, 05/06/2019
Đến nay, toàn tỉnh có 10 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày nhưng không phát sinh ổ dịch mới là các phường Bình Hàn, Tân Bình (TP Hải Dương); các xã Cẩm Điền, Cẩm Vũ, Đức Chính (Cẩm Giàng); Đại Đồng (Tứ Kỳ); Phúc Thành (Kinh Môn); Kim Anh (Kim Thành); Ninh Thành (Ninh Giang) và thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Theo quy định, các địa phương này đã đủ điều kiện để công bố hết bệnh DTLCP.
Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn ở các địa phương trên cần tiếp tục phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh DTLCP. Các hộ không nên tái đàn nuôi lợn do vẫn nằm trong vùng uy hiếp của bệnh DTLCP.
Đến ngày 3.6, huyện Kim Thành đã tiêu hủy hơn 32.200 con lợn có tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn
UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 23 tỷ đồng cho người chăn nuôi ở huyện Kim Thành bị thiệt hại do bệnh DTLCP.
Các hộ chăn nuôi có lợn tiêu hủy do bệnh này trong thời gian từ ngày 10.3- 2.5 sẽ được nhận 50% kinh phí hỗ trợ. Các hộ chăn nuôi bị thiệt hại sau ngày 2.5 sẽ nhận hỗ trợ vào đợt sau. Hiện các xã, thị trấn trong huyện Kim Thành đang niêm yết công khai danh sách xét duyệt và kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại tại nhà văn hóa các thôn, khu dân cư, trụ sở UBND các xã, thị trấn. Dự kiến, đến cuối tháng 6, huyện Kim Thành sẽ chi trả tiền hỗ trợ đợt đầu cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại.
Đến ngày 3.6, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở tất cả các xã, thị trấn của huyện Kim Thành. Huyện đã tiêu hủy hơn 32.200 con lợn, tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn.
Hiện đàn lợn của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh vẫn phát triển bình thường
Đến nay, toàn bộ 73 con lợn nái, hơn 300 con lợn thịt cùng nhiều lợn giống của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc tỉnh vẫn ổn định và phát triển bình thường. Đã qua 30 ngày, ở đây không tái phát ổ bệnh DTLCP mới. Sau khi khống chế được bệnh dịch này, công ty sẽ nhập thêm lợn đực giống để cung ứng liều tinh dịch cho các hộ nuôi lợn nái trong tỉnh.
Trước đó, ngày 27.4, công ty phải tiêu hủy 100 con lợn đực giống, 33 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt do bị bệnh DTLCP. Sau khi tiêu hủy lợn theo quy định, công ty đã cử công nhân phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ chuồng trại và dọn vệ sinh khu vực xung quanh nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
PV