Cùng ngăn chặn ô nhiễm không khí

Môi trường - Ngày đăng : 10:00, 05/06/2019

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí trên toàn thế giới.


Thông số bụi ở nhiều tuyến đường giao thông vượt quy chuẩn

Vấn đề cấp bách toàn cầu

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí (riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có gần 4 triệu người). Ước tính với khoảng 92% số người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD/năm. 

Ở Việt Nam, đánh giá chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian qua cho thấy chất lượng không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây đã được cải thiện. Các thông số môi trường không khí như NOx (một loại khí thải rất độc hại hình thành từ quá trình đốt khí Nitơ (N2) trong sản xuất công nghiệp), SOx (một hợp chất hóa học không màu, không mùi, độc nhưng không gây kích thích, là sản phẩm của sự đốt cháy không đầy đủ của các nguyên liệu như khí tự nhiên, than đá, gỗ)... đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Dù vậy, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong các đô thị, nhất là đô thị lớn vượt quy chuẩn. Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở miền Bắc, ô nhiễm bụi vào mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn so với những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật. Ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau và có thể kéo dài sang tháng 3.

Hải Dương ô nhiễm cục bộ

Tại Hải Dương, môi trường không khí tại các khu dân cư nhìn chung còn tốt. Các thông số CO, NO2 (là chất trung gian trong quá trình tổng hợp công nghiệp của axit nitric, màu nâu đỏ, mùi gắt, gây ô nhiễm không khí nổi bật), SO2 (là sản phẩm chính của sự đốt cháy hợp chất lưu huỳnh, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường)... đều đạt quy chuẩn cho phép. Một số khu vực ô nhiễm cục bộ có các thông số quan trắc bụi TSP (là tổng các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn bằng 100 μm), bụi PM10 (là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm) vượt quy chuẩn nhưng mức độ ô nhiễm không thường xuyên.

Tại một số điểm quan trắc như thị trấn Phú Thứ, thôn Trại Xanh của xã Duy Tân (Kinh Môn) nồng độ bụi TSP vượt từ 1,11 - 1,67 lần, bụi PM10 vượt từ 1,05 - 1,13 lần. Môi trường không khí tại các làng nghề còn khá tốt và chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Trong tổng số 10 nhóm làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay, chất lượng môi trường không khí tại thời điểm lấy mẫu có 4 nhóm làng nghề (kim hoàn, sản xuất hương, sản xuất gốm, sứ, dệt chiếu cói và mây tre đan) chưa có dấu hiệu ô nhiễm không khí; 3 làng nghề ô nhiễm bụi gồm: mộc Đông Giao, rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng) và chạm khắc đá Dương Nham (Kinh Môn). Riêng làng nghề mộc Đông Giao nồng độ bụi TSP vượt quy chuẩn từ 1,1 - 1,47 lần, bụi PM10 vượt quy chuẩn 1,05 lần. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Ở các tuyến đường giao thông, kết quả quan trắc 4 đợt trong năm 2018 cho thấy tùy từng thời điểm và vị trí quan trắc, một vài thông số như: bụi TSP, bụi PM10 vượt quy chuẩn từ1,01 - 1,17 lần, nhất là những vị trí có mật độ giao thông lớn như quốc lộ 18 đoạn qua các phường Phả Lại, Sao Đỏ (TP Chí Linh), quốc lộ 5 đoạn qua ngã ba Tiền Trung (TP Hải Dương), ngã ba thị trấn Phú Thái (Kim Thành)... So với năm 2017, số điểm có thông số bụi TSP, bụi PM10 vượt quy chuẩn tăng, ô nhiễm bụi diễn ra thường xuyên hơn.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, chất lượng môi trường không khí tại các khu công nghiệp trong tỉnh tương đối tốt, chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Một số cụm công nghiệp như Hiệp Sơn, Phú Thứ (Kinh Môn), Kỳ Sơn - Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, quặng, khai thác chế biến khoáng sản… có nồng độ bụi TSP vượt quy chuẩn từ 1,03-1,4 lần, bụi PM10 vượt từ 1,02 - 1,15 lần. So với năm 2017, số điểm ô nhiễm bụi TSP và bụi PM10 trong các cụm công nghiệp giảm nhưng nồng độ bụi TSP, bụi PM10 vượt quy chuẩn lại kéo dài từ các năm trước sang và diễn ra thường xuyên.

Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân cùng hành động để ngăn chặn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

   VỊ THỦY