Định rõ cơ chế hỗ trợ để thu hút người giỏi

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 10:23, 05/06/2019

Hơn chục năm qua, việc thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh không đạt hiệu quả như mong đợi một phần do có quy định của tỉnh đã cũ, không còn phù hợp với thực tế.


Y tế là một trong các ngành có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao (ảnh minh họa) 

Chế độ lạc hậu

Được hưởng ưu đãi theo quyết định về thu hút và sử dụng nhân tài của tỉnh với số tiền 15 triệu đồng sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ năm 2015, giảng viên Hoàng Thị H. của một trường đại học trong tỉnh không có thêm bất cứ sự ưu đãi nào. Chị H. cũng cho rằng do nguồn hỗ trợ ít ỏi, không hấp dẫn nên ngay ở trường chị không thể thu hút được các chuyên gia giỏi, người có trình độ cao. 

Ngành y tế từ năm 2015 đến tháng 4.2018 có 68 bác sĩ tại các đơn vị sự nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu là bỏ việc. Trong đó có cả những người đã hưởng chế độ hỗ trợ theo diện thu hút, ưu đãi, sử dụng người giỏi, chủ yếu là hỗ trợ bằng tiền học sau đại học. Bác sĩ Nguyễn Văn Th. đã bỏ một bệnh viện công lập ra làm cho bệnh viện tư tại TP Hải Dương là người từng được hưởng tiền hỗ trợ sau khi học bác sĩ chuyên khoa II. Theo bác sĩ Th., khuyến khích ưu đãi, sử dụng người giỏi bằng hỗ trợ tiền sau đi học nâng cao trình độ là rất hợp lý, cần thiết, nhưng kèm theo đó cần phải có cơ chế, chính sách dài hơi về chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc thì mới có thể thu hút, giữ chân người giỏi lâu dài. Đáng tiếc là nguồn hỗ trợ bằng tiền tuy ít ỏi, nhưng gần đây cũng không còn.

Được UBND tỉnh ban hành từ năm 2005, Quyết định về quy định chế độ thu hút, ưu đãi và sử dụng nhân tài sau đó đã được sửa đổi vào năm 2007. Nhưng qua hơn 10 năm thực hiện, chế độ thu hút, ưu đãi, sử dụng người giỏi đã bộc lộ nhiều bất cập. Toàn tỉnh mới chỉ thu hút được 30 thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác (không thu hút được tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư); hơn 1.390 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học sau đại học... Mức hỗ trợ, đãi ngộ không hấp dẫn; việc sử dụng nguồn nhân lực sau thu hút chưa hợp lý, chủ yếu mới chỉ ưu đãi bằng tiền cho người đi học nâng cao trình độ. Bất cập lớn nhất là đã tạo khe hở cho một số cơ quan, đơn vị tranh thủ nguồn hỗ trợ để cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng dù chưa thiết yếu, chưa gắn với đáp ứng nhiệm vụ được giao... Nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí nguồn lực trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, ngày 12.6.2017, UBND tỉnh đã ban hành công văn tạm dừng thực hiện thỏa thuận cử cán bộ, công chức, viên chức đi học sau đại học.

Các quyết định do UBND tỉnh ban hành về chế độ thu hút, ưu đãi và sử dụng nhân tài hiện đều đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, thậm chí có nội dung không đúng theo quy định của trung ương. Trong khi thực tế đang đặt ra đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tạo sức hút mới

Dự thảo của UBND tỉnh quy định về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức mới được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến. Dự thảo có nhiều điểm tiến bộ, cập nhật thực tế, tạo sức hút mới trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ví dụ, ngoài các đối tượng có học hàm, học vị, chuyên môn cao cần thu hút, dự thảo đề cập đến việc thu hút ưu đãi người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trong và ngoài nước hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Điều này phù hợp thực tế hiện nay có rất nhiều sinh viên Việt Nam đã và đang học các trường ở nước ngoài.

Thay hỗ trợ cụ thể bằng tiền, dự thảo cũng đề xuất mức hỗ trợ tính theo hệ số lương cơ sở tại thời điểm chi trả với mức thưởng thấp nhất gấp 30 lần; cao nhất gấp 120 lần lương cơ sở.

Trước đó, trong các cuộc họp lấy ý kiến của các ngành vào dự thảo, nhiều ý kiến tham gia đặc biệt lưu ý đến việc cần siết chặt trình tự thủ tục, thẩm quyền quyết định để gắn việc thu hút, ưu đãi, học tập, bồi dưỡng với nhiệm vụ chuyên môn, tránh lãng phí nguồn kinh phí; tránh chảy máu chất xám như ở một số tỉnh, thành phố khác sau khi đã thu hút, đào tạo người giỏi.

Tiếp thu các ý kiến, dự thảo cũng đề xuất các nội dung mới chưa từng có trong các quy định trước đây của tỉnh. Thẩm quyền quyết định thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy (đối với các cơ quan thuộc khối Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội), Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh (đối với các cơ quan khối Nhà nước). Việc quản lý và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sau thu hút cũng được quy định chặt chẽ về trách nhiệm, thời hạn cam kết... Dự thảo quy định rõ các hình thức kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm cam kết về thời gian công tác hoặc không chấp hành sự phân công, điều động. Nếu vi phạm thì người được thu hút phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được hỗ trợ.

Việc quy định rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí, khắc phục những hạn chế, bất cập trước đây sẽ giúp các ngành, lĩnh vực của tỉnh sớm thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn bó, chuyên tâm với nhiệm vụ chuyên môn.

LINH AN