Sớm nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải TP Hải Dương
Kinh tế - Ngày đăng : 16:47, 05/06/2019
Hệ thống tự động hóa trung tâm
Mới xử lý được một phần nước thải
Nhà máy XLNT TP Hải Dương là một hạng mục thuộc Dự án "Cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hải Dương" được triển khai xây dựng từ năm 2005 nhưng đến năm 2014 mới hoàn thành đưa vào hoạt động. Nguyên nhân trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc như chậm giải phóng mặt bằng thi công, thay đổi thiết kế một số hạng mục, nguyên vật liệu trượt giá...
Tổng dự toán Dự án "Cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hải Dương" hơn 8,5 triệu EURO thì phần đầu tư cho Nhà máy XLNT 1,98 triệu EURO (khoảng 50 tỷ đồng). Kinh phí hạn hẹp nên thiết kế kỹ thuật của nhà máy được xác định và phê duyệt giai đoạn I chỉ là dây chuyền công nghệ xử lý cơ học.
Dây chuyền này chỉ lắng và lọc nước thải đầu vào tương đối, giảm 30% nhu cầu oxy sinh hóa (BOD), giảm 60% cặn lơ lửng (SS), kết hợp tách váng dầu, cặn bùn, cát và một số chất hữu cơ. Thời điểm nhà máy đi vào hoạt động, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nước thải đã qua xử lý cơ học chỉ đạt tiêu chuẩn B trong Quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt.
Những bộ phận quan trọng của nhà máy, gồm 2 bể tương tự nhau có nhiệm vụ lắng, lọc sơ bộ; 2 bể ổn định bùn để tách bùn, cát khỏi nước; bể phân hủy bùn; máy sục nước thải tự động; thiết bị cầu gạt váng dầu, mỡ; một số máy ép bùn, thổi khí; nhà điều hành trung tâm và các phòng chức năng; hệ thống tự động hóa trung tâm, với các máy tính, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin...
Bể lắng, lọc nước thải sơ bộ
Theo thiết kế, đến năm 2020, công suất xử lý nước thải của nhà máy đạt 13.300 m3/ngày đêm. Phạm vi thu gom và xử lý nước thải trên diện tích 595 ha, với dân số 50.500 người. Hiện nhà máy đang thu gom và xử lý nước thải của các phường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Trần Phú và một phần các phường Ngọc Châu, Lê Thanh Nghị, Bình Hàn.
Cần tiếp tục đầu tư
Mục tiêu đầu tư xây dựng và vận hành Nhà máy XLNT TP Hải Dương trước đây chỉ là giảm thiểu úng ngập, giảm tác động môi trường do nước thải tại khu vực trung tâm thành phố. "Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8.2014, nhà máy đang thu gom và xử lý khoảng 7.000 m3/ngày đêm. Trong khi lượng nước thải của khu vực mỗi năm tăng từ 10 -15%", kỹ sư Phạm Thanh Hải, phụ trách kỹ thuật và vận hành nhà máy cho biết.
Theo quy định hiện nay, nước thải qua xử lý của nhà máy phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn A. Tháng 11.2018, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã lấy mẫu, kiểm tra nước tại các cửa xả của nhà máy. Kết quả cho thấy một số chỉ tiêu vượt so với quy định cho phép của nước thải đầu ra như Amoni, BOD, Sunfua...
Bể sục nước thải tự động
Cục Cảnh sát môi trường đã có văn bản kiến nghị TP Hải Dương khắc phục ô nhiễm môi trường; đề nghị UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương - đơn vị vận hành nhà máy phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường. Khẩn trương đầu tư xây dựng hoàn thiện giai đoạn II, công đoạn xử lý sinh học của nhà máy để bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Theo tính toán sơ bộ, giai đoạn II đầu tư hoàn thiện Nhà máy XLNT TP Hải Dương gồm các hạng mục: xây dựng, lắp đặt modul xử lý thứ cấp bằng công nghệ sinh học; kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ đồng do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương tự huy động. Hiện các ngành liên quan đang nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
THÀNH LONG