Khu công nghiệp Lai Vu: Chủ đầu tư gặp khó vì dự án "ngủ đông"
Kinh tế - Ngày đăng : 18:04, 05/06/2019
Khu công nghiệp Lai Vu hiện có gần 40 ha đất các doanh nghiệp đã thuê nhưng không sử dụng nhiều năm nay
Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu (Công ty Lai Vu) - chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Lai Vu đang gặp rất nhiều khó khăn do hơn 50% số dự án đầu tư thứ cấp dừng hoạt động, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp nợ tiền, chủ đầu tư hạ tầng không có nguồn thu, trong khi gần 40 ha đất vẫn đang để lãng phí.
"Tảng băng" chưa được phá
KCN Lai Vu tiền thân là KCN Tàu thủy Lai Vu do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam làm chủ đầu tư. Năm 2010, KCN này được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Do quá trình hoạt động và triển khai xây dựng hạ tầng KCN chưa đáp ứng được yêu cầu, năm 2012, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam điều chỉnh và chuyển giao cho Công ty Lai Vu làm chủ đầu tư. Tháng 6.2014, KCN Lai Vu được bàn giao nguyên trạng cho Hải Dương quản lý. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động, đang chờ làm các thủ tục phá sản, giải thể. Việc thanh lý các hợp đồng thuê đất đối với các doanh nghiệp này rất phức tạp. Những hạn chế từ thời kỳ trước để lại không hề nhỏ, làm ảnh hưởng lớn đến Công ty Lai Vu nói riêng và sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung. Sau nhiều năm tiếp quản, đến nay, các hạn chế này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Năm 2009, dự án của Công ty CP Container quốc tế Cas thuê 15 ha đất trong KCN Lai Vu. Thời gian đầu công ty có hàng trăm công nhân, nhưng từ năm 2010 đến nay chỉ còn vài chục người làm việc trong tình trạng cầm chừng. Gần chục năm qua, công ty không có tiền để trả phí sử dụng cơ sở hạ tầng. Cũng trong năm 2009, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí - Điện - Điện tử tàu thủy thuê gần 2 ha đất trong KCN Lai Vu để thực hiện dự án sản xuất thiết bị điện cho tàu thủy. Sau khi ký hợp đồng thuê đất, công ty đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện trụ sở làm việc, xưởng sản xuất và một số hạng mục. Nhưng do khủng hoảng kinh tế chung của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, công ty chưa kịp đi vào sản xuất đã ngừng hoạt động. Công ty không có khả năng thanh toán tiền đất cũng như tiền phí sử dụng cơ sở hạ tầng.
Theo đại diện Công ty Lai Vu, KCN hiện có 11 dự án thứ cấp đầu tư nhưng có 5 dự án không hoạt động, hoạt động cầm chừng nhiều năm nay hoặc phá sản; 1 dự án đang bị cơ quan công an điều tra.
Chủ đầu tư trở thành chủ nợ
Thực tế trên khiến Công ty Lai Vu gặp rất nhiều khó khăn. Các dự án không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên chủ doanh nghiệp không có nguồn thu, nợ tiền thuê đất, phí sử dụng cơ sở hạ tầng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Công ty Lai Vu, đến cuối năm 2018, 5 doanh nghiệp có dự án hoạt động cầm chừng, ngừng hoạt động hoặc phá sản đã nợ Công ty Lai Vu hơn 4 triệu USD, chưa bao gồm lãi chậm trả. Từ tháng 12.2018, Công ty Lai Vu còn phải ứng tiền để trả tiền thuê đất thô cho các doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Chủ tịch Công ty Lai Vu cho biết nhiều năm nay, công ty không thu được tiền từ các dự án trên, ảnh hưởng lớn tới việc cân đối, bố trí tài chính để điều hành sản xuất, kinh doanh. Hiện có gần 40 ha đất của các doanh nghiệp đã thuê nhưng không được sử dụng nhiều năm.
Trước những khó khăn của chủ đầu tư hạ tầng KCN Lai Vu, đề nghị tỉnh làm việc với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (trước đây là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) có phương án tái cơ cấu hoặc phá sản các dự án trong KCN Lai Vu không hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để sớm bàn giao đất cho Công ty Lai Vu, rồi công ty tiếp tục cho nhà đầu tư mới thuê đất. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cần có phương án giải quyết công nợ, tiền thuê đất thô đối với chủ đầu tư hạ tầng KCN. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho Công ty Lai Vu, tỉnh nên xem xét miễn tiền thuê đất thô đối với các dự án dừng hoạt động, đang trong quá trình làm thủ tục phá sản và dự án đang trong quá trình điều tra ở KCN Lai Vu.
PHAN ANH