Cần công khai, minh bạch tiền thu, chi công đức

Chính trị - Ngày đăng : 20:44, 05/06/2019

Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh.


Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại phiên họp chiều 5.6, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh.

Kết hợp xử phạt với lên án hành vi phản văn hóa

Đề cập đến vấn đề đang gây bức xúc dư luận là việc xử phạt hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan tại Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) 5 triệu đồng là quá nhẹ so với mức độ vi phạm và ảnh hưởng đến xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết mức độ xử lý vi phạm hành chính hiện nay với những hành vi này đã đủ sức răn đe chưa? Bộ trưởng có những giải pháp nào để chống tái diễn hành vi này ở chùa Ba Vàng cũng như các cơ sở tâm linh khác?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng nêu rõ, sự việc xảy ra ở chùa ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, văn hóa cần lên án và xử lý. Về việc xử lý, chính quyền địa phương, UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến với mức phạt là 5 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo Bộ trưởng, vấn đề phạt tiền là một phần, nhưng phải tăng xử phạt và làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức. “Kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa tạo áp lực từ dư luận xã hội sẽ tốt hơn,” Bộ trưởng cho biết.

Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng phải xử lý nghiêm khắc những hành vi này, không để xảy ra tình trạng sau khi bị xử phạt, Bà Yến lại đưa lên mạng những video khác như thách thức những cơ quan thực thi pháp luật”;...

Xây dựng văn bản hướng dẫn thu, chi tiền công đức

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề lễ hội tổ chức rầm rộ với các biểu hiện mê tín dị đoan, tính minh bạch trong thu chi tiền công đức...

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, “việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định”.

Hop Quoc hoi: Can cong khai, minh bach tien thu, chi cong duc hinh anh 2
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định chưa nhận được thông tin quan chức đóng góp để xây dựng chùa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng khẳng định, chưa nhận được thông tin quan chức đóng góp để xây dựng chùa.

Nếu đại biểu có thông tin chính xác về những công trình tâm linh được góp vốn từ nhiều cá nhân (quan chức ) để xây dựng thì cung cấp cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật và Quốc hội để tiến hành giám sát - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ.

Cũng quan tâm đến sự phát triển của các dự án khu du lịch tâm linh, đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) chất vấn: Sự phát triển các dự án tâm linh được đầu tư rất lớn, tầm cỡ kỷ lục quốc gia, khu vực và thế giới. Báo cáo của Bộ trưởng đã đánh giá việc quản lý thu chi tiền công đức công khai, minh bạch.

“Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên? Tổng thu, chi tiền công đức mỗi năm là bao nhiêu? Sử dụng vào mục đích gì? Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa hiện nay hay không?” đại biểu đặt câu hỏi.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định quy định mỗi di tích không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Bộ khẳng định đã bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều điểm tâm linh đặt hòm công đức dày đặc, việc cúng thuê, khấn thuê đang tạo nên tình trạng thương mại hóa đời sống tâm linh. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức thu, chi như thế nào. Chỉ có văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sử dụng tiền công đức. Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV về hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đã quy định “Tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.” Bộ chưa có văn bản quản lý nhà nước nào quy định về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, Chính phủ ban hành Nghị định 110 liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề thu chi tiền công đức. Do Nghị định mới ban hành năm 2018, nên Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng văn bản này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, “không được đặt quá nhiều hòm công đức,” đồng thời khẳng định “tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ nghiên cứu, cùng với các bộ, ngành để đặt hòm công đức như thế nào, bảo đảm được nếp sống văn minh, văn hóa”./.

Theo TTXVN