Nhiều vấn đề chưa được giải đáp thấu đáo
Chính trị - Ngày đăng : 08:01, 06/06/2019
Chủ động thanh tra, kiểm tra hoạt động tín ngưỡng tại các di tích
Tôi thấy Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời một số câu hỏi của đại biểu chưa thuyết phục. Có đại biểu hỏi vụ vi phạm ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) xử phạt 5 triệu đồng có đúng quy định hay không? Cần làm gì để không tái diễn những vi phạm về tôn giáo, tín ngưỡng như thế? Bộ trưởng trả lời cần phải lên án, bài trừ và kiến nghị với Chính phủ nâng mức xử phạt lên cao... Tôi nghĩ câu trả lời của Bộ trưởng còn chung chung, chưa đưa ra được hướng giải quyết tận gốc vấn đề. Theo tôi, việc kiến nghị nâng mức xử phạt là đúng nhưng bộ cần đưa ra được các giải pháp cụ thể để giải quyết những vi phạm về tôn giáo tín ngưỡng như vụ ở chùa Ba Vàng. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, các chức sắc tôn giáo, tín đồ phật tử về Luật Di sản, pháp luật về tôn giáo tín ngưỡng. Thứ hai, các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương phải tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động tín ngưỡng. Thứ ba, khi phát hiện những trường hợp sai phạm phải xử lý đến nơi đến chốn để bảo đảm tính răn đe.
TS. LÊ DUY MẠNH, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích tiền công đức
Tôi thấy câu trả lời của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định đặt hòm công đức ở các di tích chưa rõ ràng. Bộ trưởng chỉ nói mỗi di tích không được đặt quá 3-5 hòm công đức nhưng không chỉ rõ được trách nhiệm quản lý thuộc về ai. Hiện nay, đến một số di tích ở tỉnh ta tôi thấy mỗi ban thờ có một hòm công đức đặt cạnh. Trên ban thờ còn đặt thêm khay đựng tiền. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức phục vụ tu bổ di tích, hoạt động thờ tự có lúc còn để thất thoát, sử dụng sai mục đích. Nguyên nhân do cấp trên chưa có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tiền công đức. Việc này chủ yếu do Ban quản lý các di tích tự xây dựng quy chế thực hiện.
Theo tôi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm phối hợp nghiên cứu, đề xuất hướng dẫn hoặc ban hành quy định về sử dụng, quản lý tiền công đức. Các địa phương cần tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định đặt hòm công đức và sử dụng tiền công đức. Tăng cường vai trò giám sát của đại diện nhân dân, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan liên quan để việc quản lý, sử dụng tiền công đức đi vào nền nếp.
Ông NGUYỄN THANH THIỆN (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ)
Sớm tăng mức xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn
Trong phiên chất vấn ngày 5.6, tôi thấy Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều câu hỏi được cử tri cả nước quan tâm như các dự án trọng điểm chậm tiến độ, tiêu cực trong đào tạo lái xe... Nhưng một vấn đề được người dân rất quan tâm là cấm lái xe khi đã sử dụng rượu bia, chất kích thích, đặc biệt cần tăng chế tài xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn chưa được nhắc tới.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến rộng rãi để tăng mức xử phạt hành vi này nhằm bổ sung, sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, người lái ô tô có thể bị phạt từ 26-30 triệu đồng, tước bằng lái từ 10-12 tháng (hiện mức phạt từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái từ 4-6 tháng). Đối với người lái xe máy có thể bị phạt từ 7-8 triệu đồng, tước bằng lái từ 10-12 tháng, tăng gần gấp đôi mức phạt hiện nay.
Tôi cũng như nhiều cử tri khác thấy chế tài này cần sớm được bổ sung, sửa đổi vào nghị định để tăng mức răn đe, lái xe không dám uống rượu bia, từ đó giảm tai nạn giao thông. Đề nghị Bộ trưởng với tư cách Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo sớm hoàn thành việc lấy ý kiến để trình cấp có thẩm quyền bổ sung mức phạt đối với lái xe sử dụng rượu bia vào nghị định.
Ông NGUYỄN MINH THÚY(phố Quang Trung, TP Hải Dương)