Nhiều điểm mới của dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:50, 11/06/2019

Ngày 10.6, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.


Theo dự thảo Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn. Trong ảnh: Một tiết học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Bình Giang

Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mà Chính phủ trình Quốc hội, có 5 điểm mới đáng chú ý, nổi bật là quy định viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn.

Thay đổi này sẽ khắc phục được tình trạng một bộ phận viên chức có tư tưởng phó mặc, chây ỳ vì cho rằng đã vào biên chế hoặc ký hợp đồng không xác định thời hạn thì đương nhiên không bị đuổi việc. Thứ hai là tránh những tiêu cực trong tuyển dụng. Thực tế, có người sẵn sàng chi tiền chạy vào biên chế để không phải lo lắng chuyện mất việc giữa chừng. Dù số tiền cho mỗi suất biên chế không hề ít, có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Tiếp nữa là khắc phục tình trạng thiếu, thừa cục bộ nhân sự, nhiều nơi thừa lao động nhưng không thể cắt giảm…

Khi được hỏi về việc viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn, nhiều giáo viên tỏ ra băn khoăn vì quy định liên quan đến quyền lợi của họ. Bởi họ sẽ phải làm việc trong trạng thái có thể bị sa thải bất cứ khi nào. Tâm lý này không riêng những người đã vào biên chế, ngay cả những giáo viên chưa vào biên chế cũng có băn khoăn.

Nguyên nhân dẫn đến băn khoăn này xuất phát từ việc đánh giá công chức, viên chức hiện nay vẫn còn tình trạng nể nang, cảm tính nên kết quả không chính xác. Một giáo viên dạy môn lịch sử cấp THCS ở huyện Ninh Giang nêu quan điểm: nếu khâu đánh giá công chức, viên chức không có tiêu chí rõ ràng, không thực chất thì biên chế suốt đời hay hợp đồng làm việc có thời hạn cũng khó giải quyết được bất cập trong tuyển dụng viên chức hiện nay. 

Điểm thứ hai đáng quan tâm trong dự thảo luật sửa đổi này là thêm 2 trường hợp được tuyển dụng thông qua xét tuyển. Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định 1 trường hợp công chức được tuyển dụng thông qua xét tuyển là người đủ điều kiện, cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung thêm 2 trường hợp khác là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; người có tài năng. Quy định này nhằm cụ thể hóa việc thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Điểm mới thứ ba của dự thảo luật sửa đổi là ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp: Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu; người đang giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước; người đã từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển về làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác (khoản 3, điều 37). Nội dung này không được đề cập đến trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.

Điểm mới thứ tư của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật công chức. Luật hiện hành chỉ quy định là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, còn dự thảo sửa đổi quy định thời hiệu là 60 tháng. Quy định mới sẽ khắc phục được tình trạng trường hợp bị xử lý kỷ luật về Đảng hoặc xử lý hình sự cho hưởng án treo khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu.

Thứ năm, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Điều 84 bổ sung mọi hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc bổ sung điều khoản này bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời góp phần xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”, "hạ cánh an toàn" từng tồn tại. 

HÀ NGA