Nhiều khu đô thị, khu dân cư mới "quên" bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 18:02, 11/06/2019
Khu dân cư, chợ dịch vụ và thương mại xã Tráng Liệt (Bình Giang) không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt
Nước thải không được xử lý
Theo số liệu của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 130 dự án KĐT, KDC đã và đang triển khai. Trong đó, 21 KĐT, KDC mới đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu, bàn giao cho chính quyền địa phương và 35 khu đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù hầu hết các KĐT, KDC mới đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường nhưng có rất ít dự án xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của các KĐT, KDC mới không được xử lý hoặc mới được xử lý sơ bộ trong các bể lắng trước khi xả thẳng ra môi trường như KĐT mới Tuệ Tĩnh, KDC May I, khu du lịch, dịch vụ sinh thái Hà Hải (TP Hải Dương); khu chợ Thông và dân cư mới Đoàn Tùng (Thanh Miện); khu chợ Đọ và dân cư thương mại xã Ứng Hòe (Ninh Giang); KDC tập trung Sao Đỏ, khu Trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại và đô thị Chí Linh (TP Chí Linh); KDC - dịch vụ thương mại - văn hóa thể thao Minh Tân, điểm dân cư mới xã Hiệp Sơn (Kinh Môn)...
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, do không được xử lý hoặc mới được xử lý cơ học nên nước thải sinh hoạt sau xử lý chưa bảo đảm quy chuẩn cho phép, tác động rất nhiều tới môi trường tiếp nhận. Một số KĐT, KDC mới đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nhưng không vận hành thường xuyên cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nguồn nước ngầm, nước mặt khu vực xung quanh.
Áp lực gia tăng
Theo báo cáo thực trạng môi trường Hải Dương năm 2018, tỉnh ta hiện có 13 đô thị gồm 1đô thị loại I (TP Hải Dương), 1đô thị loại III (TP Chí Linh), 1đô thị loạiIV (thị trấn Kinh Môn mở rộng) và 10 đô thị loại V (gồm các thị trấn: Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kẻ Sặt, Nam Sách, Lai Cách, Cẩm Giàng, Thanh Hà và Phú Thái). Tổng số dân toàn tỉnh tại thời điểm hết năm 2018 khoảng 1,8 triệu người, trong đó số dân thành thị khoảng 461.000 người. Theo tính toán sơ bộ, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 177.000 m3/ngày đêm, trong đó nước thải sinh hoạt từ các KĐT, KDC mới khoảng 70.000 m3/ngày đêm. Cùng với sự gia tăng dân số, lượng nước thải sinh hoạt cũng gia tăng nhanh chóng, đưa đến nhiều thách thức cho công tác quản lý tài nguyên nước và xử lý nước thải. Hiện chỉ có TP Hải Dương xây dựng được nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với công suất thiết kế khoảng 13.000 m3/ngày đêm, nhưng mới áp dụng biện pháp xử lý cơ học nên nước thải sau xử lý chưa bảo đảm quy chuẩn cho phép. Do một số khu vực tại TP Hải Dương chưa xây dựng hệ thống cống cấp III thu gom nước thải vào hệ thống thu gom chung nên chỉ một phần nhỏ nước thải sinh hoạt được thu gom dẫn về nhà máy xử lý. Lượng nước thải còn lại được xả xuống kênh, hồ, hào thành, sau đó bơm cưỡng bức ra các sông bao quanh thành phố. Ngoài TPHải Dương, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các KĐT, KDC mới ở tỉnh chưa được xây dựng hoặc đã xây dựng nhưng không hoạt động hiệu quả. Nước thải chưa xử lý xả ra môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước.
Theo quy định, việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt là yêu cầu bắt buộc đối với các KĐT, KDC mới. Với những dự án có diện tích từ 5 ha trở lên, chủ đầu tư phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những dự án dưới 5 ha, chủ đầu tư phải có kế hoạch hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế rất ít KĐT, KDC mới đáp ứng được yêu cầu này. Nhiều chủ đầu tư KĐT, KDC mới tìm nhiều lý do để né xây dựng hoặc hạn chế vận hành các hạng mục liên quan đến công tác bảo vệ môi trường làm cho áp lực trong xử lý nước thải sinh hoạt ngày càng gia tăng.
VỊ THỦY - THÀNH LONG