Sản xuất lúa tập trung ở Nam Sách: Đồng rộng, năng suất cao
Kinh tế - Ngày đăng : 09:13, 12/06/2019
Năng suất cao
Các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung đạt năng suất vượt trội so với canh tác ngoài vùng
Vụ chiêm xuân năm nay, nông dân xã An Lâm (Nam Sách) phấn khởi vì có một vụ lúa bội thu. An Lâm là một trong những xã có nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung nhất huyện. Ông Mạc Đức Tăng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Lâm cho biết xã có 5 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với tổng diện tích 277 ha, chiếm một nửa diện tích canh tác toàn xã. Vùng diện tích nhỏ nhất cũng rộng 30 ha. Các vùng được cấy chủ yếu các giống Bắc thơm 7, Thiên ưu 8 và TBR225.
Do tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tích cực kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung cho năng suất vượt trội. Các giống Thiên ưu 8 và TBR225 đạt năng suất trên 68 tạ/ha, cao hơn các vùng lúa không tập trung từ 3-4 tạ/ha.
Thái Tân thực hiện tốt việc quy vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung từ nhiều năm nay. Các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung năng suất đều cao hơn các vùng khác. Ông Phạm Văn Hiển, nông dân thôn Tân Thắng, xã Thái Tân cho biết gia đình ông cấy 6 sào lúa, đều trong các vùng tập trung. Việc chăm bón và trừ sâu bệnh dễ dàng, thuận lợi hơn. Khi thu hoạch, năng suất lúa cao hơn các vùng lúa khác.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Sách, trong tổng số gần 4.500 ha lúa vụ chiêm năm nay có 31 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích 676 ha. Diện tích này được quy hoạch thành 17 vùng sản xuất lúa quy mô từ 30 ha trở lên. Năng suất lúa bình quân của huyện ước đạt 66 tạ/ha. Các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung đều có năng suất cao hơn từ 2-3 tạ/ha so với canh tác ngoài vùng.
Nhiều ưu đãi
Để khuyến khích phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, Nam Sách có chính sách hỗ trợ riêng. Những vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung quy mô 30 ha trở lên, huyện hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha tiền thóc giống và thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ nông dân tham gia vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung còn được hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh, cách thức chăm bón...
Huyện hỗ trợ công quy hoạch vùng, kỹ thuật sản xuất cho ban chỉ đạo cấp huyện và ban chỉ đạo cấp xã với mức 200.000 đồng/ha. Chính sách này đã góp phần khắc phục một số khó khăn như: diện tích ở một số vùng sản xuất tập trung còn nhỏ, một số xã chưa tích cực trong tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia vùng sản xuất tập trung…
Nhiều xã thực hiện tốt việc quy vùng sản xuất lúa như An Lâm, Thái Tân, Nam Trung, An Bình. Một số xã trước đây khó trong việc quy vùng sản xuất lúa hàng hóa nhưng vụ xuân này, các xã đã thực hiện tốt như Hồng Phong, Nam Hồng…
Năm 2016, xã An Lâm thử nghiệm xây dựng một vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 30 ha ở thôn An Lương. Thời gian đầu do người dân nghi ngại nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn. Sau vụ sản xuất đầu tiên mang lại hiệu quả, xã đã chỉ đạo mở rộng ra cả 10 thôn. Nhận thấy những lợi ích thiết thực của việc tham gia vùng sản xuất lúa tập trung, toàn xã đã có hơn 1.300 hộ tham gia 5 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, trong đó hộ nhiều khoảng 2 mẫu.
Ông Vương Văn Liêm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thái Tân cho biết: Từ hiệu quả thiết thực cộng với các chính sách ưu đãi thỏa đáng, 3 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 30 ha của xã đã duy trì được nhiều năm nay. Khi tham gia các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, ngoài được nhận hỗ trợ, các hộ dân còn được kết nối với các đầu mối bao tiêu sản phẩm nếu có nhu cầu.
Việc quy hoạch các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, diện tích vùng tập trung mới chiếm khoảng 15% diện tích gieo cấy. Song, hiệu quả ban đầu của các vùng này là cơ sở để huyện Nam Sách xác định đây là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Huyện sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế hỗ trợ với những vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung quy mô 30 ha trở lên. Trước mắt vụ mùa 2019, huyện Nam Sách tiếp tục xây dựng 18 vùng lúa quy mô từ 30 ha trở lên.
NGỌC HÙNG