Thương mại điện tử tăng trưởng ở nông thôn
Kinh tế - Ngày đăng : 11:41, 12/06/2019
Việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet đã không còn xa lạ với người dân
Ngồi ở nhà, người dân cũng dễ dàng mua hàng mà không phải đến chợ hay siêu thị ở thành phố như trước đây. Không những vậy, ở nhiều vùng quê, người dân đã biết ứng dụng tiện ích của TMĐT để quảng bá sản phẩm.
Thay đổi thói quen
Thời gian qua, TMĐT đã trở thành một trong những công cụ kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp. Sự ra đời của nhiều ứng dụng như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada… đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí mua hàng. Thay vì tập trung vào nhóm khách hàng ở thành thị, hiện nay, các hãng TMĐT đang mở rộng mạng lưới về các vùng nông thôn.
Gần 5 năm trong nghề, anh Hoàng Văn Dương, nhân viên giao hàng nhanh ở khu vực huyện Nam Sách cho biết: “Nhóm tôi có 4 thành viên phụ trách giao hàng ở huyện Nam Sách. Trước đây, công việc khá ít nhưng 2 năm trở lại đây người dân mua đồ trên các trang TMĐT khá nhiều nên bận rộn hơn. Trung bình mỗi ngày nhóm chúng tôi giao từ 200-300 đơn hàng, chủ yếu hàng hóa người dân mua của các trang Lazada, Tiki, Sendo... tăng khoảng 3 lần so với năm 2017".
Có thể thấy không chỉ ở thành phố, hoạt động TMĐT bắt đầu diễn ra khá sôi động ở các vùng nông thôn. Cùng với sự phủ sóng ngày càng rộng của internet, người dân nông thôn đã dần làm quen với nhiều dịch vụ trực tuyến, trong đó có thói quen mua sắm qua mạng. Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng dịch vụ và những thuận lợi trong vận chuyển cũng giúp hoạt động TMĐT ở nông thôn sôi động.
Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh trên tay, người dùng có thể thỏa thích lựa chọn các món đồ trên các trang TMĐT. Chị Nguyễn Thị Nụ ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) cho biết: “Vì công việc bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian để đi mua sắm. Tôi thường lên các trang bán hàng trực tuyến như: Shopee, Sendo để sắm đồ. Chỉ với vài thao tác đơn giản tôi đã mua được hàng và 1-2 ngày sau hàng được giao tận tay”.
Cơ hội quảng bá sản phẩm
Việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản là một vấn đề không dễ dàng đối với nông dân. Ngoài một số ít đặc sản đã có thương hiệu hoặc những mặt hàng nằm trong diện liên kết bao tiêu của doanh nghiệp, HTX, còn lại đa số nông sản thường gặp khó trong khâu tiêu thụ. Nông sản làm ra được thương lái tới thu mua tại vườn, ruộng nên thường bị động và nông dân dễ bị thương lái ép giá. Hiện nay, internet phát triển, nhiều hộ dân đã biết đưa nông sản lên chợ điện tử thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để kết nối với người tiêu dùng. Những chợ TMĐT này giúp các HTX, nông dân có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đây cũng là kênh giúp người dân bán hàng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình một cách dễ dàng, thuận lợi với chi phí thấp, thậm chí không mất phí...
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh (Tứ Kỳ) cho biết: “Để đưa các đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng, chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm thông qua các trang thông tin thương mại và mạng xã hội. Nhờ đó gần đây, gạo hữu cơ, rươi, cáy An Thanh đã có chỗ đứng trên thị trường. Chỉ tính riêng gạo hữu cơ vùng rươi, mỗi năm chúng tôi bán ra thị trường khoảng 150 tấn với giá 54.000 đồng/kg. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa sản phẩm mắm rươi, mắm cáy An Thanh lên các sàn TMĐT để quảng bá thương hiệu”.
Nhiều nông sản khác của Hải Dương cũng đã được đưa lên sàn TMĐT như vải thiều Thanh Hà sấy khô... Bên cạnh những sàn giao dịch sẵn có, Sở Công thương còn xây dựng sàn TMĐT riêng mang tên “hdmart” để đưa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào quảng bá giới thiệu sản phẩm. Theo Sở Công thương, năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm trên môi trường mạng đạt 90%. 45% số doanh nghiệp này đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, 22% qua website của doanh nghiệp… Trong tháng 3.2019, chỉ số TMĐT Hải Dương tăng trưởng mạnh, đạt 43,1/100 điểm (tính trên tiêu chí điểm thành phần). Qua đó vươn lên xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Ông Vương Hồng Hưng, Trưởng Phòng Thông tin, thị trường (Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương) cho biết: “TMĐT tại Hải Dương sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, khu vực nông thôn sẽ có nhiều lợi thế do hạ tầng internet, 3G. 4G đã rất phổ biến và số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tăng rất nhanh".
ĐỖ QUYẾT