Trên 30 trẻ em Ấn Độ tử vong vì viêm não cấp tính

Thế giới - Ngày đăng : 12:13, 13/06/2019

Ít nhất 31 trẻ em ở miền Bắc Ấn Độ đã tử vong trong 10 ngày qua vì bị tổn thương não, được cho là có liên quan đến độc tố bên trong quả vải.

Tờ Telegraph của Anh dẫn lời các quan chức y tế địa phương ngày 13.6 cho hay các ca tử vong trên được thống kê từ hai bệnh viện ở huyện Muzaffarpur thuộc bang Bihar. Đây là khu vực trồng vải lớn nhất của Ấn Độ. 

Tất cả các em đều xuất hiện triệu chứng của Bệnh viêm não cấp tính (AES). Đây là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm gây chết người với dấu hiệu như nôn mửa, sốt cao và không nhận thức được hành vi. Căn bệnh này đã xuất hiện tại Muzaffarpur và các quận lân cận hơn 20 năm nay. Năm 2014 có trên 150 ca tử vong tại Ấn Độ liên quan đến AES. 

Quả vải cùi trong suốt và ngọt sắc được cho là gây ra một rối loạn chuyển hóa nguy hiểm, còn gọi là bệnh hạ đường huyết não bộ ở trẻ em, đặc biệt là các trẻ nhỏ tuổi và ăn uống thiếu chất. 

Điều này là do chất Methylene cyclopropyl-glycine (MCPG) tìm thấy trong quả vải, ảnh hưởng đến hoạt động của não khi lượng đường trong cơ thể thấp do nhịn ăn hoặc thiếu dinh dưỡng. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Ấn Độ, số ca mắc AES năm nay đã lên đến 48 người, tăng nhiều so với 40 ca năm 2018.

Trước tình hình gia tăng trẻ mắc bệnh viêm não cấp tính, Bộ Y tế và Sức khỏe Gia đình Ấn Độ ngày 12.6 đã lập một nhóm chuyên gia để kiểm soát bệnh. Giới chức địa phương lo ngại số ca nhiễm AES có thể gia tăng trong những tháng tới đối với trẻ em suy dinh dưỡng sống ở vùng nông thôn trồng vải.

Ông Ashok Kumar Singh, một quan chức y tế cấp cao, phát biểu với hãng AFP: “Bộ Y tế đã khuyến nghị người dân chăm sóc con em trong mùa hè nóng nực khi nhiệt độ ban ngày vượt ngưỡng 40 độ C”. Ông cho biết đa số trẻ em tử vong tại Muzaffarpur đều bị hạ đường huyết đột ngột và ít nhất 40 trẻ khác đang nằm viện với các triệu chứng tương tự.

Trong khi đó, ông Nitish Kumar, một quan chức cấp cao tại Bihar, khuyến cáo người dân không cho con ăn vải lúc đói bụng. Ông khẳng định người dân ăn vải mua tại siêu thị hay tại vườn đều không bị nguy hiểm nếu họ khỏe mạnh.

Theo báo Tin tức