Phà Giải giúp tiêu thụ quả vải thuận lợi

Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 14/06/2019

Từ ngày 1.4.2019, bến phà Giải nối 2 huyện Thanh Hà và Kim Thành chính thức hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại.


Phà Giải tạo thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế

Đặc biệt trong mùa thu hoạch vải năm nay, tình trạng nhỡ đò, đi lại khó khăn đã cơ bản được khắc phục, giúp người dân đem vải đi tiêu thụ dễ dàng hơn.

Khó khăn một thời

Trước đây, đò Giải là phương tiện duy nhất giúp người dân một số xã khu vực Hà Bắc của huyện Thanh Hà vượt sông Văn Úc sang huyện Kim Thành, đi Hải Phòng và ngược lại. Vào mùa thu hoạch vải, các tiểu thương tấp nập từ khắp nơi đổ về dẫn đến tình trạng nhỡ đò, tắc đường. Anh Tống Văn Nguyên trú tại xã Hiến Thành (Kinh Môn), tiểu thương với hơn 10 năm đưa vải thiều về chợ Kinh Môn tiêu thụ vẫn không quên những khó khăn trước đây. "Ngày trước, qua lại bằng đò khó khăn lắm, nhất là những hôm thủy triều xuống làm bến đò dốc. Mỗi chuyến tôi thường chở khoảng 2 tạ vải đi tiêu thụ. Vì chất đầy hàng nên việc quay đầu xe trên đò rất bất tiện", anh Nguyên nhớ lại.

Không chỉ khó khăn mỗi khi lên xuống đò, những tiểu thương như anh Nguyên thường xuyên gặp phải tình trạng nhỡ chuyến. Đò Giải trước đây chỉ có thể chở tối đa khoảng 20 xe máy thồ hàng. Xe nào đến trước xuống đò trước, người đến sau phải đợi gần 20 phút đò mới quay lại đón được. "Có lần nhỡ chuyến, sang đến vườn vải thì tiểu thương nơi khác đã kịp lấy hết những chùm vải ngon, mẫu mã đẹp. Tôi đến sau buộc phải chọn lựa những chùm vải nhỏ hơn, chất lượng kém, bán chẳng được giá cao. Chuyến đi hôm đó thành ra không được như ý", anh Nguyên kể. Đò Giải chỉ có thể chở xe máy nên nhiều tiểu thương không thể dùng xe ô tô sang thu mua. Ô tô phải chạy xe dọc quốc lộ 5 sau đó sang Thanh Hà để kịp mua hàng.

Kết nối giao thương

Từ ngày đi vào hoạt động, bến phà Giải đã trở thành tuyến đường ngắn nhất nối đường tỉnh 390E của huyện Thanh Hà với quốc lộ 17B của huyện Kim Thành. Việc đi lại thuận tiện là niềm vui không chỉ đối với người dân của đất vải mà còn với các tiểu thương từ khắp nơi về Thanh Hà buôn bán. Là một tiểu thương có gần 15 năm nhập vải thiều từ Thanh Hà đem về Hải Phòng tiêu thụ, anh Ngô Văn Toản ở phường Quán Toan (Hải Phòng) không phấn khởi khi phà Giải đi vào hoạt động. "Từ khi có phà Giải, tôi đi theo hướng quốc lộ 17B qua phà sang Thanh Hà. Có ngày tôi qua lại đây đến 6 lần, di chuyển thuận lợi nên việc buôn bán của tôi đỡ vất vả hơn trước rất nhiều", anh Toản cho biết.

Phà Giải hoạt động liên tục 21 giờ trong ngày, chuyến đầu tiên thường bắt đầu lúc 1 giờ sáng và chuyến cuối cùng kết thúc lúc 10 giờ đêm nên lưu lượng người và xe cộ di chuyển qua phà ngày càng tăng. Mỗi ngày có hàng trăm xe ô tô con, lượt người đi bộ và xe máy qua phà. Chị Vũ Thị Hồng Luyến, nhân viên bán vé tại phà Giải cho biết: "Ca làm việc của tôi thường từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Mỗi ca có vài chục lượt xe của tiểu thương khắp nơi qua phà sang Thanh Hà nhập vải thiều. Đây là loại phà 2 lưỡi nên tiểu thương không còn phải loay hoay mỗi khi lên xuống như trước đây đi đò".

Giá vé qua phà cũng được tiểu thương và người dân cho là phù hợp. Vé dành cho xe ô tô con là 25.000 đồng/lượt, ô tô tải trên 18 tấn là 220.000 đồng/lượt, người đi bộ là 3.000 đồng/lượt, xe máy 5.000 đồng/lượt. Nhân viên, bảo vệ vận hành phà luôn nhiệt tình giúp đỡ các người dân mỗi khi lên xuống phà Giải. Dù mới đi vào hoạt động nhưng phà Giải đã góp phần kết nối giao thương, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

HÀ KIÊN