Nghĩa vụ trông giữ tài sản của chủ quán cà phê

Phản hồi - Ngày đăng : 09:21, 14/06/2019

​Hỏi: Tôi đến uống cà phê tại một quán quen và được nhân viên giữ xe hướng dẫn để xe máy ở vỉa hè nhưng không được giao vé xe. Nếu chiếc xe bị mất, tôi có được quán bồi thường không?

CAO LINH (TP Hải Dương)

Trả lời: Theo quy định tại điều 554 Bộ luật Dân sự 2015: Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Theo đó, việc chủ xe gửi xe tại nhà hàng, quán ăn, trường học, điểm trông giữ xe dưới các hình thức có vé gửi xe hoặc theo yêu cầu để xe của chủ cửa hàng, nhân viên cửa hàng… được coi là hợp đồng gửi giữ tài sản dưới hình thức là giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể. Đối chiếu với trường hợp của bạn có thể thấy bạn đã đỗ xe theo sự chỉ dẫn của nhân viên cửa hàng, dù không có vé xe nhưng phía cửa hàng không có yêu cầu hay thông báo về việc khách hàng phải tự bảo quản xe. Như vậy, trong trường hợp này đã tồn tại quan hệ trông giữ tài sản (xe máy) với hình thức là lời nói và hành vi cụ thể (hướng dẫn để xe).

Theo khoản 2 điều 556 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên gửi tài sản (khách hàng) có quyền yêu cầu "bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng". Bên giữ tài sản (cửa hàng cà phê) có nghĩa vụ theo khoản 4 điều 557 Bộ luật Dân sự 2015 "phải bồi thường thiệt hại, làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng". Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu cửa hàng bồi thường nếu để mất xe.