Sự kiện nổi bật ngày 14.6
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:29, 14/06/2019
TRONG NƯỚC
Sau 21 tháng xây dựng và hoàn thiện, ngày 14.6, Nhà máy ô tô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, đã khánh thành, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chúc mừng sự kiện quan trọng này của Tập đoàn VinGroup và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ chỉ huy, cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động Nhà máy ô tô VinFast. Thủ tướng cho rằng sự thần tốc trong xây dựng nhà máy ô tô VinFast cho thấy một khát vọng lớn, ngọn lửa nhiệt huyết trong những con người đã “chung tay, góp trí làm nên dự án kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới”. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy ôtô VinFast. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Chiều 14.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7. Sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng. Trước khi bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Sáng 14.6, Quốc hội thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Ngày 14.6, tại Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn tổ chức khai mạc Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019. Diễn ra từ ngày 14-16.6, Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019 có sự tham gia của 278 đại biểu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi và 80 phụ trách Đội trên toàn quốc. Đặc biệt, những gương thiếu nhi vượt khó học giỏi tiêu biểu sẽ tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong rèn luyện, học tập và được vinh danh tại Lễ tuyên dương thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019 tổ chức vào ngày 16.6. Trong ảnh: Trao tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn cho thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Lúc 9 giờ 10 ngày 14.6, máy bay IAK-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan không quân thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức bay huấn luyện. Sau khi hoàn thành bài bay, trên đường bay về, máy bay mất liên lạc với Sở chỉ huy lúc 9 giờ 35. Đơn vị đã khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm, phát hiện và tiếp cận máy bay rơi tại chân đập Suối Dầu, Nha Trang, Khánh Hòa (xa khu dân cư). Hai phi công bay huấn luyện hy sinh. Trong ảnh: Lực lượng chức năng thu thập các mảnh vỡ máy bay để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Ngày 14.6, tại sân đền Độc Cước, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa diễn ra Lễ hội bánh chưng, bánh giầy. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống có lịch sử lâu đời của nhân dân Sầm Sơn, được tổ chức thường niên vào ngày 12.5 âm lịch hằng năm với mong muốn cầu cho biển lặng gió êm, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Đặc sắc và sôi động nhất của Lễ hội bánh chưng, bánh giầy năm 2019 là chương trình thi làm bánh chưng, bánh giầy giữa 12 làng đến từ các phường, xã trên địa bàn TP Sầm Sơn. Trong ảnh: Trang trí bánh là công đoạn cuối cùng đem dự thi. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN
Ngày 14.6, trên quốc lộ 22 thuộc ấp suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người tử vong tại chỗ. Theo kết quả điều tra ban đầu, tại thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe đầu kéo biển số 51C-947.80 kéo theo sơmi rơ moóc biển số 51R-323.49 do Trần Đình Trung ngụ xã Mỹ trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định điều khiển đi từ hướng TP Hồ Chí Minh về Tây Ninh, khi đến khu vực trên, xe đầu kéo bị nổ bánh trước bên phía tài xế, làm tài xế không làm chủ được tay lái khiến xe chuyển hướng đi qua đường ngược chiều khoảng 60 mét, sau đó tông vào xe ô tô con biển số 51F-3700 từ hướng Tây Ninh đi TP Hồ Chí Minh. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Đức Hoảnh – TTXVN
QUỐC TẾ
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đối thoại song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng này tại Nhật Bản. Phát biểu với kênh tin tức Fox News ngày 13.6 khi được hỏi liệu hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc gặp song phương hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley nêu rõ: "Có vẻ như chúng tôi đang đi theo hướng đó". Tuy nhiên, cuộc gặp này vẫn chưa được lên kế hoạch chắc chắn. Trong ảnh (tư liệu): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại Bắc Kinh ngày 9.11. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14.6, hàng chục nghìn nhân viên an ninh đã được triển khai khắp TP Jakarta trong khi Tòa án Hiến pháp Indonesia tiến hành phiên điều trần liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử năm 2019. Các cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra ngày 21-22.5 vừa qua sau khi Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội năm 2019. Kết quả cho thấy cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin đã nhận được 55,5% số phiếu ủng hộ, trong khi cặp số 2 là ứng cử viên đối thủ Prabowo Subianto và Sandiaga chỉ giành được 44,5% số phiếu ủng hộ. Ông Prabowo tuyên bố không chấp nhận kết quả cuối cùng và đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp Indonesia. Trong ảnh (tư liệu): Biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Jakarta, Indonesia, ngày 21.5. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 14.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết nước này có trách nhiệm duy trì an ninh tại Eo biển Hormuz ở vùng Vịnh, đồng thời cho rằng việc đổ lỗi cho Tehran về các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu tại Vịnh Oman là để "gây hoang mang". Ông Abbas Mousavi cũng khẳng định Iran giải cứu các thuyền viên trên những tàu chở dầu bị tấn công trong thời gian ngắn nhất có thể. Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau các vụ tấn công vào 2 tàu chở dầu, song Tehran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Washington là "vô căn cứ". Trong ảnh (hình ảnh do hãng tin ISNA của Iran đăng phát): Khói lửa bốc ngùn ngụt từ một tàu chở dầu được cho là bị "tấn công từ bên ngoài" ở ngoài khơi bờ biển Oman ngày 13.6. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy hơn một nửa số người Canada được hỏi đều ủng hộ việc cấm công ty công nghệ viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng 5G của quốc gia Bắc Mỹ này. Cuộc thăm dò do Nanos Research thực hiện, tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 1.000 người dân Canada. Kết quả cho thấy, 53% người Canada cho rằng Ottawa nên cấm Huawei cung cấp các thiết bị 5G cho các công ty công nghệ viễn thông trong nước, trong khi 22% cảm thấy đây là một phản ứng thái quá và Canada nên cho phép Huawei bán thiết bị cho các công ty viễn thông trong nước. Trong ảnh: Huawei trưng bày công nghệ mạng 5G tại Triển lãm Di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: THX/TTXVN