Thanh toán không dùng tiền mặt: Xu thế tất yếu
Kinh tế - Ngày đăng : 11:50, 15/06/2019
Thanh toán qua máy POS đã trở thành lựa chọn của nhiều người khi đi mua sắm
Thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) là một mục tiêu lớn của Chính phủ nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thanh toán KDTM sẽ trở thành xu thế tất yếu.
Nhiều lợi ích
Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, việc thanh toán KDTM có rất nhiều lợi ích như giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; giúp minh bạch, công khai mọi giao dịch; an toàn trong quản lý tài chính; góp phần phòng chống tham nhũng...
Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam (TP Hải Dương) cho biết do thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng khắp nên việc thanh toán KDTM giúp công ty giảm bớt rất nhiều thời gian, chi phí quản lý tài chính. "Khách hàng của công ty thường tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc miền Trung, Tây Nguyên. Vài năm nay, chúng tôi đều thanh toán tiền hàng qua internet banking. Sau khi khách chốt đơn hàng và chuyển tiền, chúng tôi sẽ chuyển hàng. Mọi hoạt động diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho cả hai bên".
Không chỉ các doanh nghiệp và người dân sống ở khu vực thành thị, nhiều người dân tại khu vực nông thôn trong tỉnh cũng lựa chọn thanh toán KDTM do sự tiện lợi của loại hình này. Anh Vũ Duy Kiên, một giáo viên ở Thanh Miện cũng thường xuyên sử dụng internet banking trong mua sắm hằng ngày. "Tôi thường xuyên mua sách vở, tài liệu, đồ dùng dạy học qua mạng và sử dụng dịch vụ thanh toán qua thẻ. Chỉ cần lựa chọn thứ mình cần, chuyển tiền qua internet banking là hàng được chuyển về đúng địa chỉ. Việc mua bán rất thuận lợi", anh Kiên nói.
Không chỉ mua hàng qua mạng, hiện nhiều siêu thị, cửa hàng thời trang, ăn uống... cũng sử dụng hình thức thanh toán qua thẻ. Với nhiều người, thanh toán KDTM đã trở thành thói quen hằng ngày vì những tiện lợi mà nó mang lại.
Đa số người dùng thẻ được trả lương qua tài khoản rồi lại rút ngay ra tiêu dùng
Khắc phục hạn chế
Để không ngừng phát triển, mở rộng thanh toán KDTM, các ngân hàng thương mại trong tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các phần mềm thanh toán, tổ chức khảo sát, tiếp thị các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có mức thu nhập ổn định. Qua đó nắm bắt nhu cầu, khả năng sử dụng dịch vụ thanh toán của cá nhân nhằm mở tài khoản, phát hành thẻ. Các ngân hàng phối hợp siêu thị, cửa hàng, trung tâm mua sắm để lắp đặt máy chấp nhận thẻ đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã lắp đặt 282 máy ATM và 809 máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng). Việc bảo đảm an toàn, bảo mật cho hệ thống ATM, xử lý kịp thời các khiếu nại nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng được các ngân hàng thương mại quan tâm. Hệ thống POS luôn được kết nối thông suốt, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng dịch vụ.
Các ngân hàng thương mại cũng tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ internet banking, SMS banking, mobile banking… tạo kênh giao dịch tài chính dành cho cá nhân và doanh nghiệp, giúp khách hàng chủ động nguồn tài chính mọi lúc, mọi nơi. Dịch vụ ngân hàng điện tử đã cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ, mua vé máy bay, đóng phí bảo hiểm, mua hàng trực tuyến… nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, hiệu quả, góp phần tạo thói quen thanh toán KDTM trong xã hội hiện đại.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, ngoài những kết quả đã đạt được, việc thanh toán KDTM còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là nhận thức, hiểu biết của nhiều cán bộ, công chức, người lao động về sử dụng thẻ thanh toán còn hạn chế, chưa dễ bỏ được thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen với công nghệ mới, hiện đại nên rất khó khăn trong tuyên truyền, vận động. Mặt bằng thu nhập của đại bộ phận cán bộ, công chức còn thấp nên khi lương được chuyển vào tài khoản, các chủ tài khoản lại rút ngay phục vụ cho tiêu dùng dẫn đến hiệu quả đem lại chưa cao. Những tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại... qua thẻ chưa được sử dụng nhiều. Việc thanh toán các dịch vụ tiêu dùng qua máy POS còn hạn chế. Mặc dù các đơn vị cung ứng các dịch vụ tiêu dùng trong sinh hoạt đã gia tăng tiện ích với sản phẩm thanh toán KDTM nhưng còn khó khăn trong bố trí lực lượng thu ngân. Cơ sở dữ liệu giữa các ngân hàng thương mại và đơn vị cung ứng dịch vụ chưa được chuẩn hóa nên việc triển khai phần mềm thanh toán tự động giữa các bên còn khó khăn. Một số "cây" ATM, máy POS thường xuyên gặp sự cố về kỹ thuật gây tâm lý không tốt cho người sử dụng dịch vụ. Để thanh toán KDTM hiệu quả, những hạn chế này cần sớm được khắc phục.
VỊ THỦY