Trách nhiệm dạy con
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:16, 15/06/2019
Tháng 6 này là thời điểm nở rộ các khóa học hè, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Nếu như trước kia các lớp học thêm các môn văn hóa, học năng khiếu được nhiều người lựa chọn thì xu hướng hiện nay là cho con tham dự các khóa học kỳ trong quân đội, khóa tu mùa hè, các lớp kỹ năng sống, học bơi. Cha mẹ thời hiện đại có nhiều sự lựa chọn để trang bị cho con cái những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, trong khi hăm hở nghiên cứu, tìm tòi những lớp học ấy, có lẽ nhiều người trong số họ quên mất rằng cần phải tạo dựng những lớp học tương tự chẳng phải ở đâu xa mà ngay chính trong mái ấm gia đình mình và đó mới là những lớp học hữu ích, cần thiết nhất.
Trên một diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh mà tham gia đông đảo nhất là các bà mẹ, hè năm nào cũng có những bài chia sẻ kinh nghiệm cho con tham dự những lớp học như trên. Nhiều người tỏ ra vui mừng, phấn khởi vì có chỗ gửi con một thời gian trong hè mà không phải lăn tăn, suy nghĩ. Trái lại, nhiều người cho con tham gia học kỳ trong quân đội nhưng luôn lo lắng không biết khi xa gia đình con có nhớ nhà không, có ăn được không, ngủ được không, có tự chăm sóc bản thân không. Có bà mẹ sau một năm cho con tham gia lớp học này thì than thở sau khi về nhà, cháu chỉ chăm chỉ làm việc nhà được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó, chẳng khác gì trước kia… Biểu hiện của mỗi người một khác nhưng tựu trung nhiều người đã đẩy trách nhiệm rèn luyện nền nếp sinh hoạt, tính kỷ luật, dạy kỹ năng sống của con em mình cho một tổ chức khác. Trong năm học thì các trường phải lãnh trách nhiệm này, còn vào mùa hè là các khóa học ngắn ngày do nhiều nơi tổ chức.
Nhiều người thường phàn nàn chương trình học hiện nay không giúp học sinh có nhiều kỹ năng sống cần thiết hoặc các khóa học ngắn không có tác dụng lâu dài mà không tự nhìn nhận rằng bố mẹ mới là những người thầy đầu tiên có trách nhiệm dạy dỗ, rèn luyện con. Đa phần nền nếp sinh hoạt, lối ứng xử có phép tắc, các kỹ năng sống cần thiết cần được xây dựng ngay từ trong gia đình. Mỗi gia đình chỉ có 1-2 con thì việc dạy bảo sẽ dễ dàng hơn nhiều so với một lớp học vài chục học sinh. Và khi các khóa học bước đầu giúp học sinh hình thành được kỹ năng, nền nếp thì bố mẹ cần tiếp tục giúp các con duy trì những kỹ năng, nền nếp ấy chứ không thể trông đợi hoàn toàn vào nhà trường và các khóa học. Không có khóa học ngắn ngày nào “biến không thành có”, biến một đứa trẻ chưa có nền nếp, kỹ năng thành đứa trẻ có kỷ luật, tự giác duy trì những điều được học mãi mãi.
Nhiều người nói rằng vì công việc bận rộn nên không còn thời gian để kèm cặp, dạy dỗ con, các con đi học ở trường đã hết thời gian để học ở nhà. Nhiều người mẹ không muốn dạy con việc bếp núc hay những việc nhỏ trong gia đình như rửa bát, quét nhà, dọn dẹp, phơi quần áo… Trong khi đây là những kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ai và sẽ phải dùng trong hầu hết thời gian của cuộc đời mình. Thực ra những kỹ năng này không mất nhiều thời gian để học. Nếu có ý thức, chỉ cần mỗi ngày bỏ ra một chút thời gian hoặc dùng thời gian trong những ngày được nghỉ để chỉ dẫn thì trẻ hoàn toàn có thể nắm được cách làm. Bởi vậy, đồng thời với việc tìm các lớp học kỹ năng sống cho con, mỗi phụ huynh cần xem xét lại khả năng, trách nhiệm dạy con của mình. Có thể cho trẻ tham dự các khóa học để rèn luyện thêm, tăng sự giao lưu với bạn bè cùng trang lứa chứ không nên trông chờ như những phép màu hô biến trẻ thành người có nhiều kỹ năng hữu ích mà bố mẹ không cần khổ công hướng dẫn và rèn luyện.
SONG KHUÊ