Quần áo Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam
Thị trường - Ngày đăng : 07:02, 16/06/2019
Chỉ cần mẫu mã và số lượng, sau 5-7 ngày khách hàng sẽ nhận được tem mác "xịn"
Nắm bắt được xu thế này, không ít tiểu thương đã "hô biến" quần áo gia công chất lượng thấp có xuất xứ từ Trung Quốc thành hàng Việt Nam.
Truy nguồn gốc tem mác giả
Trong vai người có nhu cầu mở cửa hàng thời trang, chúng tôi đã đi học việc tại một số shop quần áo ở TP Hải Dương. Theo tiết lộ của anh H., chủ một cửa hàng quần áo trên đường Phạm Ngũ Lão, để buôn bán có lãi, các shop không ngần ngại nhập hàng từ Trung Quốc, sau đó đặt in tem mác của các thương hiệu nổi tiếng trong nước rồi đính vào quần áo để bán ra thị trường. Để đặt in tem mác, tiểu thương có thể liên hệ với một số đầu mối tại Hải Dương. Chị V.H. sinh năm 1985, trú tại phố Thống Nhất (TP Hải Dương), chủ một shop khác cho biết những mẫu quần áo có tem mác và thẻ bài rời có thể làm giả với số lượng không hạn chế. Chị V.H. liệt kê: tem mác có kích thước 10x50 mm, 20x75 mm, 24x27 mm, chi phí đặt in tối thiểu là 1.000 đồng/mác; loại mác gắn bên sườn quần áo có kích thước 25x75 mm, chi phí đặt in là 2.500 đồng/mác; một số loại thẻ bài kích thước 45x90 mm có chi phí đặt in là 800 đồng/thẻ. Thời gian hoàn thành từ 7-10 ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phố Hàng Bồ, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là một trong những nơi chuyên làm nhãn, mác giả. Rất nhiều tiểu thương từ Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… đến đây đặt hàng. Ông T., chủ cơ sở làm nhãn, mác giả ban đầu cho biết chỉ nhận in cho những shop thời trang tự thiết kế của cá nhân, không nhận in tem mác các thương hiệu nổi tiếng. Phải gặng hỏi mãi, đồng thời đặt vấn đề sẽ đặt in với số lượng lớn, ông T. mới cho biết cơ sở của ông nhận đặt hàng in tất cả các loại tem mác, kể cả của các hãng thời trang Việt Nam, chỉ cần có hàng mẫu. Khách quen không cần đến trực tiếp mà chỉ cần gọi điện, thông báo loại tem mác và số lượng rồi chuyển tiền, sau khoảng 7 ngày hàng sẽ được chuyển về tận nơi.
"Ve sầu thoát xác"
Để nhập hàng Trung Quốc, các chủ shop thời trang buộc phải đặt hàng với số lượng từ 500 chiếc trở lên, thông qua các trang mạng như taobao.com… hoặc có thể sang Trung Quốc tìm đến các khu vực chuyên gia công quần áo theo đơn đặt hàng. Thậm chí, chủ hàng có thể yêu cầu các xưởng may Trung Quốc gắn sẵn tem mác của các thương hiệu có tiếng trước khi nhập hàng về Việt Nam. Những chủ hàng không có điều kiện đặt hàng trực tiếp tại Trung Quốc có thể tìm đến chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) nhập hàng. Chợ Ninh Hiệp được các tiểu thương mệnh danh là "siêu đại lý hàng Trung Quốc".
Tìm hiểu từ một số cửa hàng bán đồ Trung Quốc tại Ninh Hiệp, chúng tôi được biết giá bán buôn quần áo thường dao động từ 40.000-60.000 đồng/chiếc. Hàng có chất lượng tốt hơn, thường được gọi là "hàng shop" được bán với giá từ 70.000-110.000 đồng/chiếc. Với những loại quần áo này, chủ cửa hàng sau khi nhập phải tự tìm các xưởng may để thay thế tem mác. Mặc dù qua nhiều công đoạn, song nếu nhập hàng từ Ninh Hiệp, thay thế tem mác, các chủ shop thời trang vẫn có thể đội giá quần áo lên nhiều lần trước khi bán ra thị trường. Theo chị N., chủ shop thời trang N.T. tại Trung tâm Thương mại Tuấn Dung Plaza (Ninh Hiệp), hàng được đưa từ Ninh Hiệp về thẳng các xưởng may, công nhân bóc và thay thế tem mác. Đây là chiêu "ve sầu thoát xác", biến quần áo có xuất xứ Trung Quốc thành bất kỳ sản phẩm có thương hiệu nào.
Tình trạng các sản phẩm thời trang Trung Quốc đội lốt các thương hiệu Việt Nam được bày bán công khai đang làm cho thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn. Nếu chỉ nhìn vào tem mác, thẻ bài gắn trên quần áo sẽ khó có thể nhận biết đấy có phải hàng Trung Quốc hay không. Thực trạng này diễn ra khắp nơi, không chỉ riêng ở Hải Dương.
Ông Vũ Minh Hải, quyền Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Cục Quản lý thị trường Hải Dương) kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết việc đấu tranh, phát hiện hành vi kinh doanh hàng giả nhãn mác gặp nhiều khó khăn. Việc xác định nguồn gốc hàng hóa tương đối phức tạp vì liên quan đến rất nhiều bên và nghiệp vụ biên mậu. Khách hàng bị các tiểu thương "qua mặt" bằng việc bán hàng Trung Quốc dưới những tem mác Việt Nam không chỉ gây thiệt hại cho bản thân họ mà còn cho sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến các thương hiệu của Việt Nam. Ngoài ra, việc kinh doanh loại hàng hóa xuất xứ Trung Quốc đính tem mác hàng Việt còn vô tình được chính người tiêu dùng tiếp tay. Một bộ phận người tiêu dùng không sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền tương ứng với giá trị thật của hàng hóa thương hiệu, thay vào đó họ có xu hướng chọn lựa những hàng hóa giả nhãn mác với mức giá thấp hơn.
Một số hãng thời trang phải mất nhiều năm để xây dựng hình ảnh, tạo ra những sản phẩm có chất lượng trong khi một số khác chỉ cần ngồi gắn tem mác. Nếu không thể chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng Trung Quốc dưới tên của những thương hiệu Việt thì có lẽ một ngày nào đó, niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng các sản phẩm Việt Nam sẽ bị bào mòn.
HÀ KIÊN