Bổ nhiệm bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 09:46, 16/06/2019

Khi nói tới tăng trưởng kinh tế, nhiều người thường gắn với cụm từ “tăng trưởng bền vững”.

Có nghĩa là phát triển ổn định, chắc chắn, lâu dài chứ không phải kiểu ăn xổi ở thì, nay tăng trưởng, mai suy thoái, phá sản; tăng trưởng nhưng hủy hoại môi trường... Đó là quan điểm chung về chiến lược phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Vậy ở trong lĩnh vực tổ chức, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo thì sao? Có cần đến sự bền vững hay không?

Hiện nay ở nhiều cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, có hiện tượng cán bộ được tiến cử, giới thiệu bổ nhiệm đúng quy trình, quy hoạch, tiêu chuẩn… Nhưng sau khi ổn định được vị trí, những cán bộ ấy lại không thể hiện được phẩm chất, đức độ và năng lực cống hiến cho xã hội. Những khuyết điểm của họ bắt đầu bộc lộ. Có khi là vi phạm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, văn hóa công sở; có khi là vì lợi ích nhóm, bè phái, cục bộ, lạm dụng quyền hạn, chiếm đoạt hoặc cố ý làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Họ đã vi phạm kỷ luật Đảng, bị cách chức, thậm chí phải vào tù…

Những sự việc đau lòng ấy không chỉ làm tổn hại đến danh dự cá nhân, gia đình cán bộ mà còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị, làm tổn phí công sức, kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các tổ chức. Nó đã gây ra những hệ lụy và dư âm không tốt trong xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: Ai đã tiến cử, giới thiệu và ai dung túng, bổ nhiệm những cán bộ trở thành tội đồ của nhân dân? Họ phải chịu trách nhiệm thế nào về việc bổ nhiệm sai của mình? Công tác bổ nhiệm như thế không thể coi là bền vững được. Có ý kiến cho rằng, khi bổ nhiệm cốt là thẩm tra hồ sơ lý lịch, đúng quy trình, quy hoạch, có đủ bằng cấp, đã qua luân chuyển... Còn sau này, cán bộ đó suy thoái, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tham nhũng… dẫn đến phạm tội thì sẽ xử lý theo pháp luật là chuyện bình thường. Nếu như thế công tác bổ nhiệm thật bấp bênh, đầy rủi ro. 

Thời xưa, các triều đại phong kiến chọn người tài tham gia chính quyền có lệ thi cử, tuyển cử và tiến cử. Các quan lại trong triều đều có quyền tiến cử những bậc hiền tài còn lưu lạc trong dân gian để triều đình bổ nhiệm làm quan. Nhưng triều đình phong kiến đã có quy định rất cụ thể về quyền và trách nhiệm kèm theo. Ai tiến cử được những người có tài, có đức, có năng lực để phụng sự nhân dân đều được nhà vua ban thưởng, kể cả thăng chức. Ngược lại, nếu ai chỉ vì lợi ích của người thân, bè phái, hay thiên vị mà tiến cử những kẻ bất tài, tâm địa xấu xa, tham nhũng... bị phát hiện thì sẽ bị triều đình trừng trị, coi như kẻ đồng phạm. Bởi thế, có những vị quan thanh liêm khi viết sớ tiến cử tâu lên nhà vua đã khẳng khái viết những câu văn thống thiết: “Thần xin lấy tính mạng cả gia tộc mình để bảo lãnh…”.

Thời nay, trong bộ máy công quyền, chúng ta cũng có những hình thức giới thiệu cán bộ có khả năng lãnh đạo, quản lý. Khi giới thiệu phải lựa chọn thật kỹ lưỡng, xem xét nhiều mặt về phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là năng lực, lòng trung thực, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng có những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức giới thiệu, bổ nhiệm người vào các cơ quan công quyền, các vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế tài và thực hiện nghiêm là một cách noi gương người xưa đề cao nghĩa vụ và trách nhiệm trong bổ nhiệm cán bộ bền vững.

LÝ YẾN NAM