Nghịch lý trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập: 30 điểm vẫn trượt, hơn 8 điểm lại đỗ

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:49, 18/06/2019

Nhiều năm nay, tỉnh ta thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với hình thức thi tuyển và mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng vào một trường.

Mỗi dịp công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, thí sinh và người nhà như ngồi trên đống lửa. Trong ảnh:Thí sinh và người nhà xem điểm thi tại Trường THPT Cẩm Giàng II

Phương thức này tồn tại nhiều hạn chế, tạo áp lực rất lớn cho thí sinh, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.   

May rủi

Ở kỳ thi tuyển sinh năm học 2019 - 2020 cũng như nhiều năm trước, rất nhiều thí sinh rơi vào cảnh trớ trêu giống em Phạm Thị Hiền Lương ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng). Em thi vào Trường THPT Cẩm Giàng II được 22,3 điểm nhưng vẫn trượt vì còn thiếu 0,45 điểm.

Điều tiếc nhất cho Hiền Lương là 2 trường THPT công lập còn lại trong huyện chỉ lấy 21,25 điểm và 17,5 điểm. "Em rất buồn vì những bạn đăng ký thi ở trường khác điểm không cao bằng thì đỗ, còn em lại trượt! Công sức của em đã đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì chọn thi vào trường chưa phù hợp".

Chính vì chỉ có một nguyện vọng nên đến mỗi kỳ tuyển sinh, thí sinh và người nhà rất căng thẳng. Thí sinh phải đau đầu tính toán, tìm hiểu xem nên đăng ký thi vào trường nào. Lượng thí sinh đăng ký vào mỗi trường mỗi năm lại khác. Thường nếu năm trước trường này khó thì năm nay thí sinh sẽ tránh và tìm đến trường dễ và ngược lại.

Những ngày nộp hồ sơ, người nhà và thí sinh như tham gia trò chơi may rủi, nhất là những thí sinh có lực học trung bình, trung bình khá. Họ phải nghe ngóng, dò hỏi xem trường này đang có bao nhiêu hồ sơ, nếu nhiều thì rút hồ sơ nộp trường khác. Nhưng thông tin họ có lại thiếu rõ ràng, không đáng tin cậy.

Chính vì thế, lượng thí sinh thường biến động và xảy ra tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra". Cụ thể như kỳ tuyển sinh năm học 2019 - 2020, các trường THPT ở TP Hải Dương có sự chênh lệch lượng thí sinh đăng ký dự thi khá lớn.

Trường THPT Hồng Quang có số thí sinh đăng ký dự thi tại chỗ chưa được một nửa chỉ tiêu (chỉ tiêu tuyển sinh 504 nhưng có 247 hồ sơ) hay Trường THPT Hoàng Văn Thụ còn thiếu 13 hồ sơ.

Ngược lại, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có tới 684 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển chỉ có 336, Trường THPT Nguyễn Du có 534 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển 336. Điều này cũng dẫn đến điểm chuẩn vào nhiều trường THPT trung tâm thấp hơn trường khu vực.

Ví dụ như điểm chuẩn vào lớp 10 vừa rồi, Trường THPT Gia Lộc II cao hơn từ 2,7 - 3,25 điểm so với các Trường THPT: Gia Lộc, Đoàn Thượng trong cùng huyện.

Kết quả tuyển sinh vừa rồi cho thấy việc giao chỉ tiêu tuyển sinh còn chưa phù hợp với số lượng học sinh lớp 9, nhu cầu đăng ký thi của từng địa phương.

Sau khi có điểm thi, một số trường THPT mặc dù có điểm chuẩn dưới 10 điểm cũng không tuyển đủ chỉ tiêu như Hà Đông (Thanh Hà, điểm chuẩn 8,5), Kim ThànhII (điểm chuẩn 9,25), Trần Phú (TP Chí Linh, điểm chuẩn 9,75).

Trong khi đó ở một số trường lại có thí sinh đạt trên dưới 30 điểm vẫn trượt. Điều này dẫn đến chất lượng đầu vào chênh lệch lớn giữa các địa phương. 

Cho thí sinh thêm cơ hội

Những bất cập trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập những năm qua đã đến lúc cần có sự thay đổi để tạo công bằng hơn cho thí sinh cũng như nâng cao chất lượng đầu vào.

Đồng chí Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sở sẽ xin ý kiến lãnh đạo tỉnh để điều chỉnh phương thức tuyển sinh. Kỳ thi năm học 2020 - 2021, nếu tỉnh đồng ý, sở sẽ thực hiện phương án mỗi thí sinh được đăng ký nhiều hơn 1 nguyện vọng thi vào lớp THPT công lập. Cân nhắc lựa chọn 1 trong 2 phương án: dành tỷ lệ nhất định cho thí sinh không phải nguyện vọng 1 vào mỗi trường và xét điểm từ cao xuống thấp; thí sinh không phải là nguyện vọng 1 khi xét tuyển đầu vào phải có điểm thi cao hơn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 tại trường đó.

Đây là những giải pháp phù hợp hơn, có thể khắc phục được nhiều hạn chế của phương thức tuyển sinh đang thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cân nhắc nếu được có thể đưa mức điểm sàn để trúng tuyển vào lớp 10 THPT theo từng khu vực, đối tượng thí sinh.

Điều này giúp công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS hiệu quả hơn và hạn chế việc thí sinh có điểm rất thấp vẫn đỗ. Chỉ tiêu tuyển sinh giao cho các trường cần có dự báo cụ thể về số lượng học sinh lớp 9 THCS, số lượng thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập, số đi học nghề, số không tiếp tục học.

Với định hướng thay đổi trên, thí sinh và người nhà có thể hy vọng mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020 - 2021 sẽ không còn chịu nhiều áp lực và có những trường hợp trượt tức tưởi như nhiều năm qua.

DANH TRUNG