Người My Trì mê xiếc

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 16:49, 19/06/2019

My Trì hiện có khoảng 10 đoàn xiếc với hơn 100 người làm nghề. Nhiều diễn viên trẻ đạt huy chương, bằng khen tại các kỳ liên hoan xiếc chuyên nghiệp của tỉnh và toàn quốc.


Ông Lê Văn Tàm (đứng dưới) hướng dẫn diễn viên xiếc tập luyện

Trước đây, đến huyện Thanh Miện mà nói chuyện xiếc, người ta nhớ ngay đến “cái nôi” của nghệ thuật xiếc Hải Dương, đó là đoàn xiếc Cao Thanh Hải của cụ Trương Văn Sản ở xã Cao Thắng. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghệ thuật ấy phải kể đến những gánh xiếc của làng My Trì ở xã Ngũ Hùng, bởi nơi đây có khoảng 10 đoàn xiếc đang hoạt động.


Gánh xiếc gia đình

Ông Lê Văn Tàm (sinh năm 1960) với nghệ danh Huy Tàm có công phát triển nghệ thuật xiếc ở thôn My Trì. Gần 60 tuổi, sức khỏe không còn đủ dẻo dai để theo đoàn đi biểu diễn, nhưng có dịp ông lại đến chỉ dạy cho con cháu.

Thời còn làm nghề, Huy Tàm là “con át chủ bài” của nhiều gánh xiếc. Theo học Trường Trung cấp xiếc Việt Nam năm 1979, đến năm 1981, ông về đầu quân cho Đoàn xiếc Hải Hưng. Thời điểm đó, xiếc là nghề hốt bạc. "Ăn lương nhà nước 29 đồng/tháng là thu nhập cao còn được mời đi diễn ở các đoàn khác, có ngày diễn liền 3 tăng, được trả 65 đồng", ông Tàm kể.

Khi đoàn xiếc của tỉnh giải thể, ông Tàm vừa đi diễn cho các đoàn vừa nuôi ý định lập gánh xiếc tại quê. Năm 1997, mong muốn của ông được thực hiện.

Ban đầu, ông Tàm “gom” gần 30 học viên là anh em, con cháu và người trong làng có năng khiếu về xiếc để mở lớp đào tạo. Không có chỗ tập, ông san phẳng 450 m2 đất của gia đình làm sân. Không có vốn, ông đi vay để mua dụng cụ, lo nơi ăn, chỗ ở cho học viên.

Khó khăn chất chồng nhưng bù lại các học viên đều ham học hỏi nên trong thời gian ngắn, đoàn xiếc Thanh Xuân ra đời. Đúng như cái tên, gánh xiếc của ông Tàm bắt đầu đi khắp nơi để biểu diễn, ít cũng 4 tuần, nhiều thì nửa năm mới về quê.

Đến nay, nhiều học viên trưởng thành từ "lò" của ông Tàm đã tách ra lập đoàn riêng. Anh dạy em, cha dạy con, chồng dạy vợ… cứ thế hơn 20 năm qua, đoàn này giải nghệ lại có đoàn khác được thành lập.

My Trì hiện có khoảng 10 đoàn xiếc với hơn 100 người làm nghề. Nhiều diễn viên trẻ đạt huy chương, bằng khen tại các kỳ liên hoan xiếc chuyên nghiệp của tỉnh và toàn quốc. Nhiều đoàn có chất lượng tốt, quy tụ được cả các nghệ sĩ giỏi của đoàn chuyên nghiệp khác về hoạt động.

Cạnh tranh khốc liệt

Vừa trở về sau chuyến lưu diễn ở Bắc Giang, anh Lê Đình Hinh, Đoàn xiếc Thăng Long than phiền: “8 đêm diễn lỗ cả 8, tôi phải bỏ tiền túi hơn chục triệu đồng để bù các chi phí".

Kể về cái khó, anh Hinh bảo việc có quá nhiều gánh xiếc không được đào tạo bài bản, không chịu rèn luyện, quảng cáo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” làm cho xiếc ngày càng bị khán giả quay lưng.

Theo anh Hinh, những đoàn xiếc này không diễn được các tiết mục khó mà người làm xiếc thực thụ phải mất nhiều năm tập luyện mới thành như: đế thống, múa kiếm trên đài cao, sức mạnh đôi tay... Thay vào đó là chương trình tạp kỹ, mua vui, khán giả vào xem rồi ra về với tâm trạng như bị lừa. “Điều này ảnh hưởng lớn đến những đoàn xiếc đầu tư bài bản, làm ăn chân chính như chúng tôi”, anh Hinh bức xúc.

Mới thành lập từ năm 2018, đoàn xiếc Đông Dương của anh Trần Văn Đăng cũng gặp khó khăn. Cả đoàn có 13 người, trong đó chỉ có 5 diễn viên, còn lại là làm hậu đài. Theo anh Đăng, chi phí cho một buổi biểu diễn rất tốn kém, phần thuê bến bãi, lực lượng an ninh, chi trả cho diễn viên, hậu đài… Thế mà giá vé chỉ 20.000 - 50.000 đồng/người, diễn ở thành phố, vé mới được 100.000 đồng/người, chưa kể nhiều nơi, khách còn “quay vòng” vé mời để trốn vé.

Không sàn diễn chuyên nghiệp, không bảo hiểm tai nạn lại thêm thị trường cạnh tranh khắc nghiệt… làm cho người làm nghề xiếc chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng khi được hỏi, anh Hinh nói: “Chúng tôi vẫn muốn được gắn bó lâu dài với nghề vì để được như hôm nay, chúng tôi đã rất vất vả”.

Còn ông Tàm thì cho rằng: “Tôi tin, những đoàn diễn kém chất lượng sẽ sớm bị đào thải. Trước mắt, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn các đoàn xiếc tự phát, kém chất lượng hoạt động; đồng thời có những chính sách thu hút, động viên những đoàn xiếc chuyên nghiệp ngoài công lập hoạt động như ở My Trì”.

HUYỀN ANH