Báo chí Việt Nam và một số dấu mốc
Xã hội - Ngày đăng : 22:33, 20/06/2019
Nhà báo Việt Nam đầu tiên
Đó là học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên tự Sỹ Tải, thường gọi Pétrus Ký, quê ở Vĩnh Thành, Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Chợ Lách, Bến Tre). Ông là một học giả lớn, thạo 26 ngoại ngữ, tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết và được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông sáng lập và làm Tổng biên tập những tờ báo tiếng Việt đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác; được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Người có nhiều bút danh nhất
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có nhiều bút danh nhất. Trong hơn 170 tên gọi, bí danh, biệt hiệu… của Bác, có khoảng 100 bút danh báo chí thường dùng.
Báo cách mạng đầu tiên
Tuần báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập rồi trực tiếp chỉ đạo, trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, là tờ báo cách mạng đầu tiên. Khuôn khổ 19 x 13 cm, in bằng tiếng Việt trên giấy sáp tại Quảng Châu (Trung Quốc), số báo đầu tiên xuất bản ngày 21.6.1925 và ngày đó sau này được vinh dự chọn làm Ngày Báo chí Việt Nam (sau đổi thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam như hiện nay).
Báo địa phương đầu tiên
Tờ báo địa phương đầu tiên ở Việt Nam ra đời rất sớm, nhưng lại bằng tiếng Pháp: Le Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín), do Gaston Amelot làm chủ bút kiêm quản lý, xuất bản tại Sài Gòn; ban đầu mỗi tuần 2 kỳ, với số đầu tiên phát hành ngày 1.1.1864.
Báo điện tử đầu tiên
Vào đêm giao thừa 29 Tết Đinh Sửu 6.2.1997, tạp chí Quê hương điện tử của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chính thức kết nối internet, trở thành báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
Báo đầu tiên của Đảng Cộng sản
Đó là tờ Tranh đấu, do đồng chí Trịnh Đình Cửu chỉ đạo biên tập, in bằng tiếng Việt trên giấy sáp tại Quảng Châu (Trung Quốc) gồm 4 trang, khổ 31,5 x 22 cm. Số đầu tiên xuất bản ngày 15.8.1930.
Đài phát thanh đầu tiên
Kỷ lục trên thuộc về Đài Phát thanh Sài Gòn (Radio Saigon), được xây dựng ở vùng Chí Hòa vào năm 1929, quản lý bởi Công ty Truyền thanh Đông Dương (Sociéte Indochinoise de Radio-diffusion). Giữa năm 1975, đài đổi tên thành Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày phát hơn 20 giờ với trên 50 chương trình, qua hai kênh AM và FM.
Đài truyền hình đầu tiên
Đó là Đài Truyền hình Sài Gòn, được xây dựng và hoạt động từ năm 1966. Ngày 26.4.1966, công binh Hải quân Mỹ và Hãng thầu RMK-BRJ đã khởi công xây dựng trụ phát tuyến. Từ ngày 1.5.1975, đài đổi tên thành Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.
BẢO HOÀN