Vì nền báo chí phát triển lành mạnh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 21/06/2019

Suốt 94 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới đất nước.

Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp tại Ngày hội vải thiều Thanh Hà năm 2019

Không những làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, báo chí còn là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống, tạo diễn đàn rộng rãi để nhân dân phản ánh, nêu ý kiến, nguyện vọng của mình.

Bên cạnh dòng chủ lưu là những kết quả, thành tích đáng tự hào, không ít cán bộ, người dân và những người làm báo trăn trở, bức xúc trước những hiện tượng tiêu cực. Hiện tượng xa rời tôn chỉ, mục đích xảy ra ở không ít cơ quan báo chí. Người đọc dễ dàng thấy những tin, bài giật gân, câu khách, thiếu tính nhân văn, mang tính vụ lợi. Tình trạng thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân còn xảy ra ở nhiều báo, tạp chí. Một bộ phận nhỏ người làm báo lợi dụng nghề nghiệp để gây sức ép, hù dọa, tống tiền tổ chức, cá nhân. Những nhà báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, thậm chí vào tù không hiếm. Những biểu hiện tiêu cực đó làm tổn hại tới uy tín, giá trị tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam. 

Nguyên nhân khách quan của những hiện tượng trên là do sự cạnh tranh của mạng xã hội, cạnh tranh đưa tin giữa các cơ quan báo chí, nhiều tổ chức né tránh cung cấp thông tin cho báo chí... Nguyên nhân chủ quan do một số cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí thiếu trách nhiệm, chưa kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực. Nhiều tòa soạn báo phải tự cân đối thu chi để bảo đảm hoạt động nên có những cách làm sai trái, lệch lạc. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa len lỏi vào một bộ phận người làm báo. Vì đồng tiền không trong sạch, họ chấp nhận vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Trước những biểu hiện thiếu lành mạnh, trong nội bộ đội ngũ báo chí đã tự phê bình, tự đấu tranh để loại bỏ "những ung nhọt ra khỏi cơ thể". Các cơ quan báo chí đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3.4.2019. Nếu thực hiện tốt quy hoạch này sẽ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nhiều biểu hiện lệch lạc trong thời gian qua. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường ứng dụng giải pháp kỹ thuật kiểm soát việc gỡ tin bài, khắc phục tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Cùng với tuyên truyền, quán triệt hội viên thực hiện tốt 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam còn tăng cường quản lý hội viên là phóng viên thường trú, chỉ đạo chuyển sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú về Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều vi phạm của người làm báo và cơ quan báo chí đã được xử lý nghiêm. Từ những biện pháp tích cực đó, một số biểu hiện chưa lành mạnh trong hoạt động báo chí có chiều hướng thuyên giảm, song cộng đồng vẫn chưa thực sự hài lòng.

Chỉ có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các bên liên quan với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện sai trái mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong hoạt động báo chí. Các cơ quan chủ quản cần tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí và chịu trách nhiệm khi báo chí có sai phạm. Việc bố trí chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí cần chọn những người vừa có tài, vừa có đức, làm việc tới tinh thần trách nhiệm cao. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí và người làm báo khi để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm.

Dịp 21.6 hằng năm là cơ hội để mỗi người làm báo tự soi, tự sửa những khiếm khuyết của mình mà vươn lên. Mỗi người làm báo làm tốt nhiệm vụ của mình thì cả đội ngũ ngày càng hùng hậu, phát triển, sẽ tiếp nối truyền thống và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

NINH TUÂN