Trường hợp nào không bị bắt vì đưa hối lộ?
Phản hồi - Ngày đăng : 11:01, 21/06/2019
TRẦN VĂN PH. (Bình Giang)
Trả lời: Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa tiền hoặc quà cho người có chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình thì sẽ phạm tội đưa hối lộ. Mức tiền, tài sản thấp nhất để xác định dấu hiệu của tội này là 2 triệu đồng. Nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, hình phạt tù sẽ từ 12 - 20 năm...
Người đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định này.
Tuy nhiên, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Điều 365 (tội môi giới hối lộ) của luật này cũng quy định: Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.