Độ tin cậy của báo chí cách mạng
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:00, 21/06/2019
Báo Nhân Dân, báo Hải Dương được nhiều người dân tỉnh ta đón đọc hằng ngày
Báo chí đã thành nguồn sống tinh thần không thể thiếu với người Việt Nam như cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, có rất nhiều trang thông tin điện tử không chính thống trên mạng. Có trang thể hiện tính tự do vô tổ chức của cá nhân. Có trang chỉ nhằm quảng bá cho một lối sống buông thả. Có trang nhằm chống lại chế độ ta bằng cách nói xấu cán bộ, nói xấu chính sách. Giữa vô vàn những trang mạng đội lốt báo chí ấy, BCCM vẫn giữ được niềm tin của nhân dân, của cán bộ. Nguyên nhân là bởi:
Thứ nhất, BCCM là báo chí đúng đắn, đàng hoàng, công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Nó không hề che đậy, ngụy biện. Nó luôn lấy sự công tâm làm lẽ sống. Ta hãy xem BCCM ca ngợi những con người, sự việc đều rất xứng đáng với lòng dân. Báo chí phanh phui, lên án những con người nào, sự việc nào cũng đều hợp với lòng dân, mang lợi cho dân, cho nước.
Thứ hai, BCCM luôn nhanh nhạy nắm bắt và phản ánh những việc tốt, việc xấu rất kịp thời. Từ những vụ án chống tham nhũng lớn đến những vụ án ma túy khổng lồ; từ việc gian lận thi cử đến vụ cháy nổ… Hầu hết các vụ việc đều được báo chí phản ánh (tất nhiên đó là những việc liên quan đến đời sống nhân dân, có ảnh hưởng đến xã hội chứ không phải việc nhỏ nhặt của cá nhân nào đó).
Thứ ba, BCCM luôn tôn trọng tự do của mọi người, tự do trong khuôn khổ pháp luật. Mọi người đều có quyền tự do đọc báo và mua báo; tự do viết báo bày tỏ nguyện vọng và quan điểm của mình. Tòa soạn kiểm duyệt thấy đúng, hợp pháp, có lợi cho dân, cho nước thì đăng, không hợp thì bỏ. Những người dân oan uổng, bức xúc về đãi ngộ, đất đai hoặc bị áp đảo, đánh đập… đều kêu đến báo chí. Nhà báo về điều tra, viết bài đăng tạo dư luận xã hội. Rồi các lực lượng chức năng vào cuộc. Biết bao vụ người oan được minh oan, kẻ có tội bị trị tội nhờ có sự can thiệp của báo chí.
Thứ tư, báo chí ngày nay góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật, văn hóa và nghệ thuật cho nhân dân. Trên mặt báo không thiếu những bài viết chuyên sâu về trồng trọt, chăn nuôi, máy móc, công nghệ… hoặc giới thiệu một công trình văn hóa, một tác phẩm nghệ thuật, một danh hiệu, thậm chí là một từ ngữ nào đó ở phạm vi trong nước và cả thế giới. Những bài viết như thế rất hấp dẫn những người muốn tìm hiểu cả bề rộng và chiều sâu của vấn đề.
Thứ năm, ranh giới báo chí địa phương với trung ương, cộng tác viên và phóng viên chuyên nghiệp đang bị xóa nhòa. Cầm tờ báo địa phương hôm nay ta cũng gặp những vấn đề lớn lao của đất nước. Bên cạnh đó còn có những vấn đề cụ thể, riêng biệt của địa phương nên rất hấp dẫn. Báo trung ương nặng về phản ánh những sự việc lớn thì báo địa phương có thế mạnh về những việc cụ thể ở những vùng miền nhỏ hẹp. Còn về bài viết, một phóng viên báo địa phương hoặc một cộng tác viên đều có quyền gửi bài cho nhiều báo. Nhiều cộng tác viên bây giờ có học vấn cao, có hiểu biết rộng nên bài viết của họ có chất lượng tốt.
Nhờ 5 điểm nêu trên mà BCCM luôn thu hút mọi người, là niềm tin của mọi người. Nhiều cơ quan, địa phương còn có phong trào "đọc báo và làm theo báo". Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta hiện nay và giữa bối cảnh cạnh tranh của nhiều loại báo chí chính thống và không chính thống, rất phức tạp, BCCM vẫn giữ được niềm tin như thế là một điều hết sức quý giá.
Bên cạnh đó, BCCM cũng có những điểm còn hạn chế. Đó là một vài tờ báo in khổ to quá, khó cầm, khó đọc. Nhiều tờ báo "độn" vào quá nhiều quảng cáo, có những tin bài quảng cáo trá hình, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của báo mà nghiêng sang tính thương mại. Cái đó rất bất lợi cho BCCM. Mặt khác, nhiều nhà báo hiện nay hình như có xu hướng khoe chữ nghĩa. Họ rất hay dùng từ gốc Hán như "cập nhật", "nội đồng", "địa ốc", "thượng tôn", "mãn nhãn", "thường niên"… Đành rằng vay mượn ngôn ngữ là quy luật tất yếu nhưng những từ đó làm cho người nghe muốn hiểu ý lại phải qua thao tác dịch từ Hán sang Việt làm cho tiếng Việt mất đi phần nào sự trong sáng. Nói theo ý Bác Hồ thì chữ nào ta có thì dùng tiếng ta, không có mới phải vay mượn, nhà báo cũng như nhà giáo, nhà văn đều phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt ở báo hình còn có nhiều vấn đề cần xem xét. Chẳng hạn như các phát thanh viên quá coi trọng việc trưng ra các mốt váy áo (nhất là nữ). Các anh chị đôi khi điệu đà quá, nói dài nên phải nói nhanh dẫn đến nói nhịu, nói nhầm từ làm cho người nghe mất cảm tình. Mặt khác, thông tin không liên tục, khó theo dõi. Như chương trình thời sự 6 giờ sáng của một đài truyền hình trung ương có tới 4 phát thanh viên cùng lúc ngồi trên màn hình. Người này giới thiệu người kia. Người này cảm ơn người khác. Một thông tin có hôm cắt làm 2 đoạn. Tin này đan tin khác rất khó theo dõi...
BCCM mặc dù đã mạnh dạn thông tin những con người và vụ việc tiêu cực, song cần có những lời phê phán nghiêm khắc, tỏ thái độ không khoan nhượng trước những kẻ xấu, việc xấu. Không nên gọi các bị can, tội phạm là ông, bà mà gọi họ bằng những từ như "đương sự", "nghi phạm", "tội phạm", "phạm nhân"… Những kẻ tội phạm, đưa ảnh lên màn hình cũng không cần dùng kỹ xảo làm mờ ảnh. Có thế những kẻ xấu mới biết xấu hổ mà tu dưỡng.
VĂN DUY