Kỷ niệm nghề báo

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 14:23, 21/06/2019

Đằng sau hành trình tác nghiệp, sau mỗi tác phẩm luôn ăm ắp những kỷ niệm nghề của mỗi phóng viên.

Những ngày tháng không quên

- Ngày 20.8.1965: Thế là cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã lan rộng ra miền Bắc. Ban Biên tập chỉ đạo các phóng viên nắm vững quan điểm lãnh đạo của Tỉnh ủy để phản ánh trên mặt báo. Dưới khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!”, các hàng tít đậm kéo dài trên trang nhất báo Hải Dương mới là tin bài phản ánh khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ… 

Máy bay Mỹ đã nhiều lần xâm phạm vùng trời tỉnh ta.

Chiều nay, cơ quan chuẩn bị tài liệu và phương tiện để tối đi sơ tán. Nơi đến là làng Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) - một thôn nhỏ nằm cạnh con đường đất, nối đường 191 với đường 17 qua cầu Binh, huyện Gia Lộc. Từ đây, anh em có thể đi đến các cơ quan đầu mối của tỉnh đã sơ tán về các vùng Tứ Kỳ, Gia Lộc hoặc những cơ quan chỉ huy tác chiến còn chốt lại trong thị xã để lấy tư liệu…

Tuy làng còn nghèo, nhà cửa chật chội nhưng các gia đình rất vui vẻ đón tiếp và tạo điều kiện cho Báo Hải Dương mới.

- Ngày 5.11.1965: Đang chuẩn bị đi công tác thì hệ thống loa truyền thanh báo động, máy bay Mỹ xâm phạm mạn cầu Lai Vu. Sau đó, đài đưa tin ta bắn rơi tại chỗ một máy bay Mỹ F84. Đây là chiến công đầu tiên của tỉnh ta trong cuộc chống chiến tranh phá hoại. Thế là các trang báo ra ngày tới lại bổ sung một loạt tin bài để phản ánh khí thế chiến thắng…

- Ngày 18.11.1966: Cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng lan rộng và ác liệt. Để bảo đảm an toàn, nhiều cơ quan của tỉnh phải di chuyển nơi sơ tán. Báo Hải Dương mới chuyển về Tó - một làng nhỏ hẻo lánh nằm ở xã Phương Hưng (Gia Lộc). Cũng như ở Phạm Xá, cán bộ và nhân dân trong thôn rất nhiệt tình đón tiếp. Xí nghiệp in cũng sơ tán về xã Gia Hòa bên cạnh nên việc in báo thuận tiện.

- Từ ngày 19 - 22.6.1967: Đúng vào lúc chiến dịch “Sấm rền” của Mỹ đánh phá dọc đường 5 có tính hủy diệt, Báo Hải Dương mới được Hội Nhà báo Việt Nam phân phối cho hai chiếc xe máy MZ và Spats. Tình hình chiến sự rất khẩn trương. Được phân công đi viết tin bài ở Nam Sách, Kim Thành, phải qua cầu phao bến Hàn. Không biết làm cách nào cho kịp. Anh Trình Tư Cảnh là người lên nhận xe MZ về, tối dắt xe ra sân kho làng Tó hướng dẫn sơ sơ cách điều khiển. Sáng hôm sau, lên xe đi. Vừa qua cầu Hàn thì bom đã mù mịt phía Cẩm Thượng. May quá, thoát hiểm!

Địch càng đánh ác liệt, quân dân tỉnh ta càng chiến đấu ngoan cường, tòa soạn càng hoạt động khẩn trương. Giặc đánh sập cầu Lai Vu, Phú Lương, lại có thêm nhiều cầu tạm khác nên mạch máu giao thông Hải Phòng - Hà Nội vẫn thông suốt. Các phóng viên theo dõi trận địa và địa phương phản ánh khí thế sục sôi chiến đấu và chiến thắng, tay cày, tay súng của quân dân cả tỉnh, nhất là vùng ven đường 5.

- Ngày 2.3.1968: Hôm nay ra số báo Hải Hưng đầu tiên nhưng công việc chuẩn bị cho ngày ra số báo hợp nhất Hải Dương mới và Hưng Yên thì đã chuẩn bị hàng tháng nay rồi. Trước đó vài ngày, các anh ở Báo Hưng Yên đã chuyển về Tó. Sau khi ổn định nơi ăn ở, làm việc, chi bộ họp phiên đầu tiên, xác định nhiệm vụ từ biên tập, phóng viên đến văn phòng. Ai cũng nghĩ đến trách nhiệm cao hơn, phạm vi viết bài, đưa tin rộng hơn… Tóm lại, tờ báo đã chuyển sang một thời kỳ mới.

- Ngày 23 - 30.8.1971: Nghe tin vỡ đê Nhất Trai, mấy anh em đạp xe trong đêm ngược hướng Văn Thai (Cẩm Giàng). Nhưng vừa mới đến gần Lai Cách thì nước đã đổ về. Guồng vội về tòa soạn trong khu nhà Tỉnh ủy, mọi người xúm vào chuyển nhanh đồ đạc, gạo củi từ tầng 1 lên tầng 2. Sáng hôm sau nước đã tràn ngập hết đường phố thị xã Hải Dương và cả tầng dưới ngôi nhà - nơi có cốt đất khá cao.

Ban Biên tập liên tục hội ý sau khi nghe Thường trực Tỉnh ủy truyền đạt chủ trương đối phó với trận “đại hồng thủy” vừa diễn ra. Tinh thần là bất kỳ giá nào, báo vẫn phải ra đều và phát hành về các huyện, xã, HTX. Phóng viên phải bám ngành, địa phương, nhất là các huyện bị ngập sâu như Cẩm Giàng, Bình Giang, Mỹ Hào, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và một số huyện bị ngập cục bộ. Thắng lũ lụt, bảo vệ tính mệnh người dân, tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ đê điều, sẵn sàng chiến đấu, phòng và chống dịch bệnh, chuẩn bị phương án khôi phục sản xuất… là những chủ đề lớn trên các trang báo. Các phóng viên phải đi cơ sở bằng nhiều phương tiện như đi thuyền, bè mảng, lội nước… nhưng vẫn không đưa tin bài chậm. Còn công nhân in thì phải chuyển máy móc, kê kích lên cao, thay nhau túc trực, mất điện thì quay tay như hồi còn sơ tán. Trước đã thắng địch họa, giờ đoàn kết quyết tâm khắc phục thiên tai, đưa báo tới người đọc…

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG(trích sổ tay phóng viên)


Phóng viên Báo Hải Dương (thứ ba từ phải sang) và những người lính quê Hải Dương ở Trường Sa trên boong tàu KN 491

Thắm tình quê hương giữa trùng khơi

Tháng 1.2019, trong chuyến công tác tại các đảo phía nam quần đảo Trường Sa, tôi may mắn được gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương. 

Trước lúc khởi hành, tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tôi tình cờ gặp đại úy Nguyễn Duy Hải (32 tuổi, quê ở xã Nam Chính, Nam Sách) đi nhận nhiệm vụ làm Chỉ huy phó đảo Thuyền Chài. Tôi được anh Hải giới thiệu hàng chục cán bộ, chiến sĩ quê Hải Dương đang công tác ở khắp quần đảo. Các anh đều nhiều năm công tác ở đây nên mỗi người là một "kho tư liệu" về Trường Sa mà tôi có thể tìm hiểu để viết bài. Đi đến đâu tôi cũng được các anh quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn tận tình nên việc tác nghiệp khá thuận lợi. Nhờ các anh mà tôi hiểu hơn về cuộc sống, công việc của những người lính đảo. Có hôm chúng tôi còn tổ chức được một “buổi gặp mặt” đồng hương Hải Dương ngay trên boong tàu KN491. Công tác ở các đảo khác nhau, ít có dịp tụ họp nên gặp nhau mọi người tay bắt, mặt mừng. Chỉ vài nắm lạc rang, vài lon nước ngọt mà ai cũng thấy phấn chấn, thắm thiết tình quê hương. Giữa trùng khơi, những lời hỏi han, động viên nhau khiến hải trình dường như ngắn lại. Những người lính như được tiếp thêm sức mạnh để bền tâm, vững chí canh giữ biển trời Tổ quốc. Được đồng hành ít ngày với những người đồng hương nơi tiền tiêu Tổ quốc là kỷ niệm đẹp trong chuyến công tác đầy ý nghĩa mà tôi mãi không quên.

HOÀNG BIÊN

Tác động của một bài báo

Nhà tôi ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương). Mỗi lần vào nội thành, tôi thường đi theo đường gom quốc lộ 5, có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Năm 2009, một lần đi ngang qua Công ty TNHH PNG Việt Nam vào giờ tan ca, người ở cổng dồn ứ lại, bảo vệ nam đứng chặn một bên, bảo vệ nữ đứng chặn một bên, nam khám nam, nữ khám nữ. Tất cả những ai từ công ty đi ra đều bị kiểm tra, lục soát các đồ dùng cá nhân, cốp xe. Thấy lạ, tôi hỏi người ngồi bán hàng ở gần đó, họ nói: "Ngày nào họ cũng khám như vậy đó". Những ngày sau tôi lại đi qua vào giờ tan ca xem sao, thấy việc khám xét của bảo vệ vẫn diễn ra thường xuyên. Hình ảnh này rất phản cảm bởi việc theo dõi các hoạt động ở công sở, xí nghiệp... không thiếu gì cách trong thời buổi công nghệ phát triển hiện nay, vậy mà đơn vị này lại dùng "phương pháp thủ công" khám xét người nơi công cộng? Như thế là xúc phạm danh dự, quyền tự do của người khác. Và tôi đã viết bài phản ảnh gửi báo Hải Dương, được đăng trong chuyên mục "Ý kiến bạn đọc". Mấy ngày sau khi bài báo đăng, tôi đi qua cổng Công ty TNHH PNG Việt Nam vào giờ tan ca, không còn thấy bảo vệ khám xét mọi người nữa. Tôi ghé vào hỏi một anh bảo vệ thì anh nói: "Có ý kiến giám đốc bỏ việc khám xét rồi".

Một trường hợp khác, cũng vào những năm 2009, 2010, trên trục đường Chợ Mát cũ, nay là phố Nguyễn Thị Duệ, Xí nghiệp Gạch Đồng Tâm thường mang sản phẩm chất đầy vỉa hè, ai đi bộ qua cũng phải đi xuống lòng đường. Tôi đã chụp ảnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè rồi gửi cho báo Hải Dương. Sau khi ảnh được đăng, lãnh đạo xí nghiệp này đã cho dọn dẹp, trả lại vỉa hè thông thoáng và có ý kiến tiếp thu trên báo. Là cộng tác viên, chúng tôi rất phấn khởi mỗi khi có tin bài được sử dụng. Đó là những kỷ niệm đẹp, động viên chúng tôi thêm niềm hưng phấn, gắn bó với tờ báo của tỉnh nhà và càng thấy tiếng nói của báo chí có tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội.

NGUYỄN HUY

Ngược xuôi theo Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Đó là những ngày giữa tháng 2.2019, khi tôi còn là cộng tác viên của Báo Hải Dương. 

Ngày 26.2, tôi có mặt tại khu vực khách sạn Melia (Hà Nội) từ rất sớm. Đây là nơi ở của phái đoàn Triều Tiên trong thời gian diễn ra sự kiện. Ai nấy đều cố gắng tìm cho mình một vị trí thuận lợi để có những tấm hình sớm và đẹp nhất. Khoảng 7 giờ tối 26.2, tôi đã kịp chộp cho mình hình ảnh đoàn xe quái thú (The Beast) khi lên sân bay Nội Bài đón ông Trump. Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy những chiếc xe ô tô được mệnh danh là an toàn và hiện đại nhất thế giới. Dưới gốc cây bên đường, phải mất đến gần một giờ đồng hồ tôi mới có thể gửi tin, ảnh vì cả khu vực bị phá sóng. Bồn chồn, hồi hộp vì sợ ảnh mất tính thời sự, tôi đi tìm một quán cà phê gần đó xin dùng nhờ mạng. Cuối cùng những bức ảnh về đoàn quái thú lên đường đón Tổng thống Trump đã kịp lên báo trước khi ông Trump về đến nơi.


Cộng tác viên Hà Kiên phải mất gần một giờ đồng hồ ngồi gần khách sạn Melia (Hà Nội) để gửi tin, ảnh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên về tòa soạn vì cả khu vực bị phá sóng 

Điều đáng tiếc nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này không thể ra tuyên bố chung. Cuộc họp báo ngắn ngủi chiều28.2 của Tổng thống Mỹ tại Marriott như lời kết cho một sự kiện cả thế giới dõi theo. Ngay đêm hôm đó, Triều Tiên cũng tổ chức họp báo. Dưới cơn mưa tầm tã, tôi có mặt bên ngoài khách sạn Melia. Những dòng cuối về sự kiện đã viết xong để gửi về tòa soạn. 

Trong thời gian đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, balo đựng laptop, máy ảnh và xe Grab là những người bạn đồng hành không thể thiếu, giúp tôi di chuyển từ JW Marriott đến Melia rồi lại chạy ra Metropole. Qua chuyến tác nghiệp này tôi nhận thấy phóng viên cần nhanh nhạy, linh hoạt để có những thông tin sớm và tốt nhất gửi về tòa soạn.

HÀ KIÊN

Ám ảnh sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng

Nhiều ngày sau buổi tác nghiệp hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Kim Lương (Kim Thành) hồi tháng 1.2019, tôi rất căng thẳng, chưa bao giờ trải qua cảm giác như vậy.

Khi ấy, đúng giờ cao điểm, vụ tai nạn làm quốc lộ 5 bị ùn tắc kéo dài. Để nhánh chóng tiếp cận hiện trường, chúng tôi tìm cách đi tắt vào làng, đỗ xe ở đó rồi đi bộ đến nơi xảy ra tai nạn. Đường 5 kẹt cứng, làn đường dành cho người đi bộ cũng bị chiếm. Tôi cùng một đồng nghiệp nam khác phải đi bộ trên đường tàu gần 1 km. Chúng tôi gần như vừa đi vừa chạy.

Đến hiện trường, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là hình ảnh người nhà nạn nhân kêu khóc thảm thiết bên các thi thể nằm đắp chiếu, khói hương nghi ngút. Dù đã được phân công công việc rõ ràng, mỗi người phụ trách khai thác những thông tin khác nhau để tác nghiệp cho nhanh và tránh trùng lặp nhưng vừa đến nơi tôi đã quên sạch phần việc của mình.

Sau khi lấy thông tin tại hiện trường vụ tai nạn, chúng tôi đi bộ về nơi đỗ xe, rồi đến Trung tâm Y tế huyện Kim Thành để kịp dự họp báo về vụ tai nạn. Phóng viên các báo Trung ương, địa phương ngồi kín phòng họp, người quay phim, người chụp ảnh, người ghi âm, ghi chép… ai cũng làm việc với tinh thần tập trung cao. Tối hôm đó và vài đêm sau tôi rất khó ngủ, lúc nào cũng căng thẳng, làm việc không tập trung. Phải hơn một tuần sau tôi mới bình thường trở lại.

Qua lần đầu tiên đưa tin tai nạn giao thông ấy, tôi hiểu rằng nghề báo không dành cho những người yếu bóng vía.

HÀ NGA

Phòng ngừa muỗi đốt

Tháng 7.2017, tỉnh ta xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên trong năm. Sau đó dịch lan rộng, trở thành đợt dịch SXH lớn nhất trong nhiều năm gần đây. Dịch kéo dài đến tận cuối năm.

SXH là một loại bệnh truyền nhiễm, về cơ bản lành tính nhưng cũng có trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Là phóng viên theo dõi mảng y tế, tôi phải bám sát tình hình, theo đội phòng chống dịch về một số địa phương có ổ dịch SXH như Thanh Hà, Bình Giang, TP Hải Dương... Hay bị muỗi đốt nên tôi rất lo sẽ bị lây bệnh. Vì sợ nên tôi dành thời gian tìm hiểu kỹ các biện pháp phòng chống SXH. Trong túi xách hoặc cốp xe máy của tôi luôn có 1 lọ thuốc xịt chống muỗi. Trước khi về nơi có ổ dịch tôi xịt thuốc khắp người, trang bị áo chống nắng, khẩu trang. Tôi theo đội phòng chống dịch vào cả những ngày cuối tuần, đợt nghỉ lễ. Có những hôm trời nắng gắt, cán bộ, nhân viên y tế vẫn tận tình hướng dẫn người dân lật úp các dụng cụ chứa nước để loại bỏ môi trường sống của bọ gậy, đeo những chiếc bình to, nặng đầy hóa chất để phun xử lý môi trường, lưng áo ướt đẫm mồ hôi... Đó là những hình ảnh chân thực nhất về mức độ nguy hiểm của dịch, sự vất vả của đội phòng chống dịch đã được tôi ghi lại, góp phần tuyên truyền liên tục, hiệu quả.

HUYỀN TRANG

Có đề tài hay từ quán trà đá

Tháng 2.2017, tôi ngồi uống nước ở một quán ven đường tỉnh 391, đoạn qua thị trấn Tứ Kỳ. Lúc đó có 2 người đàn ông khoảng 40 tuổi nói chuyện với nhau. Một người bảo: "Hôm qua đi bắt cá ở sông Thái Bình lại gặp 2 vợ chồng lạ mặt hôm trước rải thuốc sâu xuống sông bắt cá tôm. Xã hội giờ sợ thật, vì đồng tiền họ bất chấp tất cả". Nghe vậy, tôi lân la hỏi chuyện và được người đàn ông ấy cung cấp thông tin ban đầu. Vài ngày sau, bài "Rải thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm" được đăng tải. Bài báo phản ánh việc một nhóm người thường xuyên lén lút rải thuốc trừ sâu xuống sông Thái Bình đoạn qua xã An Thanh (Tứ Kỳ) để bắt tôm gây ra những hệ lụy. Bài báo được nhiều bạn đọc quan tâm, Ban Biên tập khen nên tôi rất vui.

Cũng trong năm 2017, một lần ngồi uống trà đá ở bờ sông Sặt (TP Hải Dương), tôi nghe người ta nói chuyện với nhau ở trong Đắk Nông có một tỷ phú quê Hải Dương chuyên trồng và chế biến khoai lang xuất khẩu. Tôi hỏi ngay địa chỉ, số điện thoại của tỷ phú này. Cuối năm đó, tôi và một đồng nghiệp có chuyến công tác đầu tiên vào Tây Nguyên. Sau chuyến đi, chúng tôi không chỉ viết bài về tỷ phú khoai lang mà còn thực hiện thêm một số bài viết khác liên quan đến người Hải Dương trên vùng kinh tế mới. Chuyến đi đó đã tiếp thêm nguồn cảm hứng để chúng tôi tiếp tục vào Gia Lai tác nghiệp đúng 1 năm sau đó.

Một số lần khác cũng ngồi uống trà bên đường, tôi cũng nghe được nhiều thông tin về đời sống xã hội. Những thông tin đó đã gợi ý cho tôi những đề tài và sau đó có được những bài báo bạn đọc quan tâm. Ngày còn đang học trường chuyên nghiệp, thầy giáo của tôi - TS. Trần Xuân Thân (hiện đang công tác tại Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: "Các bạn đừng nghĩ đề tài chỉ có ở các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... hay những gì các bạn nhìn thấy. Đề tài hay đôi khi lại xuất hiện khi ta ngồi nhâm nhi ly trà đá". Đến bây giờ ngẫm mới thấy lời thầy nói quả thực rất đúng.

AN THANH