Một ngày trước thi THPT quốc gia, thí sinh nên làm gì?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:37, 24/06/2019
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh xuất phát đi làm nhiệm vụ coi thi THPT quốc gia 2019 tại tỉnh Đắk Nông sáng 23.6 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày mai 25.6, gần 900.000 thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Gần 24 giờ còn lại, sĩ tử nên làm gì để có được tâm thế tốt nhất khi vào thi?
Thả lỏng những ngày cuối
Nguyễn Lê Gia Khánh - thủ khoa khối D Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương cơ sở 2 với số điểm 26,95 - chia sẻ sau giai đoạn ôn thi nặng nề, ngày cuối cùng trước khi vào phòng thi nên là thời gian để thư giãn.
Bên cạnh đó, Khánh không quên thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, đọc qua báo chí để cập nhật tình hình xã hội, đời sống, bởi đây là chất liệu để làm tốt phần nghị luận xã hội. "Đề văn nhiều năm gần đây mang tính thời sự cao. Nếu không đủ thời gian xem thời sự có thể xem lại trên Internet" - Khánh mách nhỏ.
Những ngày gần thi, Khánh luôn tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm để cơ thể quen với nhịp sinh học những ngày thi. Trong từng buổi thi, Gia Khánh đều đến trước giờ tập trung từ 30 - 45 phút để có thể trò chuyện với các bạn, làm giảm áp lực phòng thi.
Trong giai đoạn nước rút, Gia Khánh chủ động chỉ dùng những thức ăn quen thuộc và tuyệt đối không ăn thực phẩm lạ để tránh tác động tiêu cực cho cơ thể.
Tương tự, Trần Đình Vĩnh Thụy - top 10 đầu vào xét tuyển Trường ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2018 với số điểm 27,7 khối A - cũng khẳng định ngày cận thi là thời gian thả lỏng để não vừa có thời gian ghi nhớ, tạo tâm lý thoải mái hơn.
"Mình ngưng hết các việc học và dành thời gian để nghỉ ngơi thư giãn lấy sức cho kỳ thi" - Thụy nói.
Thi xong, tụi mình không ở lại dò bài hay bàn luận, cũng không xem bài giải tham khảo trên mạng mà về thẳng nhà để tránh trường hợp phát hiện nhiều sai sót sẽ không còn tâm trạng thi môn tiếp theo. Tụi mình thường nghỉ sớm, mai thi tiếp.
Thủ khoa Nguyễn Thị Hằng
Tránh sai sót không đáng có
Với môn văn, chia sẻ "bí kíp" làm bài tốt, Khánh - một trong số ít người đạt điểm môn văn đến 9,75 trên cả nước - cho biết mình có chiến lược từ trước, quy định thời gian cụ thể cho từng phần của bài thi. Chẳng hạn, phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội Khánh cho phép mình làm trong 30 phút, khoảng thời gian còn lại là dành cho nghị luận văn học.
"Phải đọc kỹ đề - Khánh nói - Vì làm văn ý tưởng và cảm xúc thường dẫn dắt mình viết liên tục, nên nếu không xác định đúng yêu cầu đề bài ngay từ đầu, bài viết rất dễ lạc hướng". Bên cạnh đó, dù viết đoạn hay viết bài, Khánh đều lập dàn ý để đánh dấu những luận điểm chính và dẫn chứng quan trọng cần có trong bài viết của mình.
Một lưu ý nữa là khi thời gian trôi về cuối mà vẫn chưa viết xong phần thân bài, Khánh khuyên các sĩ tử nên chuyển sang chăm chút cho phần kết bài, rồi quay lại bổ sung luận chứng phụ ở thân bài khi có thời gian. Điều này giúp bảo đảm phần trả lời của thí sinh là một chỉnh thể.
Với môn toán, Vĩnh Thụy mách nước đề thi thường được sắp xếp theo thứ tự phân hóa từ dễ đến khó, do đó thí sinh nên làm theo thứ tự từ đầu đến cuối, với những câu chưa ra kết quả thì nên khoanh đáp án còn nghi ngờ vào đáp án và còn thời gian thì xem lại.
"Không nên mất thời gian nhiều với một câu hỏi mà mình giải chưa ra, nên để sang một bên, khi đã giải quyết xong những câu còn lại thì quay lại suy nghĩ tiếp - Vĩnh Thụy nói - Với môn toán, phần hàm số thường chiếm nhiều câu hỏi và dạng đề cũng đa dạng, do đó học sinh cần cẩn thận và xét đúng câu hỏi thuộc dạng nào, bình tĩnh làm bài để có được kết quả chính xác nhất".
Với môn lý - hóa, Vĩnh Thụy nhận xét đề thi thường có nhiều câu hỏi lý thuyết, nhất là các câu đếm số nhận định đúng rất dễ gây nhầm lẫn, do đó cần cẩn thận từng chút một với từng câu từ của đề thi.
Với môn địa, Nguyễn Thị Hằng - thủ khoa khối C Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với số điểm 27,25 - cho rằng cần linh hoạt sử dụng Atlas vì riêng những câu hỏi yêu cầu sử dụng tài liệu này đã chiếm từ 5-6 điểm.
Còn môn sử có nhiều sự kiện và nhiều câu phải tư duy logic, do đó nên thống kê theo từng giai đoạn, chẳng hạn 1930 - 1945, 1945 - 1975 để khi đọc câu hỏi là có thể xác định cơ bản kiến thức nằm ở phần nào.
Theo Tuổi trẻ