Thi THPT quốc gia: Những điều thí sinh cần lưu ý
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 15:40, 24/06/2019
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
Đây là kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng với các thí sinh sau 12 năm đèn sách, khi kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Cán bộ coi thi sẽ hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi, phổ biến quy chế thi. Thí sinh rà soát và nếu phát hiện sai sót về họ, tên, đối tượng, hộ khẩu thường trú... thì phải báo với cán bộ coi thi để kịp thời chuyển thông tin sửa đổi cho Ban Thư ký Hội đồng thi xem xét, cập nhật vào phần mềm quản lý thi.
Dưới đây là những điểm thí sinh cần đặc biệt lưu ý trước khi bước vào phòng thi:
1. Điểm thi chiếm 70% điểm xét công nhận tốt nghiệp
Khác với năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh cách tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo đó, điểm thi sẽ chiếm 70% trọng số điểm xét tốt nghiệp, điểm học bạ chỉ chiếm 30%, thay vì tỷ trọng 50-50 như các năm trước. Vì vậy, thí sinh cần tập trung làm tốt bài thi để có kết quả khả quan hơn.
2. Đến điểm thi đúng giờ
Dù đây là kỳ thi rất quan trọng nhưng trong các năm trước vẫn có trường hợp thí sinh đến muộn. Theo quy chế thi, thí sinh đến muộn 15 phút sau khi đã bóc đề thi sẽ không được dự thi. Thí sinh đến muộn trước 15 phút sẽ vẫn được dự thi, tuy nhiên, điều này không chỉ khiến các em thiệt thòi về thời gian làm bài mà còn chịu áp lực tâm lý rất lớn.
Thí sinh nên đến điểm thi đúng giờ, hoặc đến sớm hơn để có thời gian chuẩn bị tâm thế cho buổi thi.
Thí sinh nên kiểm tra kỹ các vật dụng được phép mang theo trước khi vào phòng thi. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
3. Những vật dụng được phép mang vào phòng thi
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được mang vào phòng thi máy tính bỏ túi, bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết bất cứ nội dung gì).
Riêng đối với máy tính bỏ túi, phải không có chức năng soạn thảo văn bản, không sử dụng thẻ nhớ để lưu dữ liệu, gửi - nhận thông tin, ghi âm, ghi hình.
Danh sách một số máy tính bỏ túi thông dụng được phép đem vào phòng thi năm nay gồm Casio FX 570 MS, FX 570 ES Plus và FX 570VN Plus, FX 500MS, FX 500 VNPlus, FX 580VNX; VinaCal 500MS, 570MS, 570ES Plus, 570ES Plus II, 570EX Plus, 680EX Plus; Catel NT CAVIET NT-570ES Plus II, NT-570ES Plus, NT-500MS, NT-500ES Plus, NT-570VN Plus, NT-580EX; Thiên Long FX590VN Flexio; Deli 1710, D991ES và các máy tính không có các chức năng theo quy định.
Thí sinh cũng được phép đem theo máy ghi âm và ghi hình nhưng chỉ có chức năng ghi mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ.
Thí sinh nên kiểm tra kỹ về chất lượng của các vật dụng mang theo trước khi vào phòng thi, tránh xảy ra sự cố như bút hết mực, ra mực không đều, hoặc máy tính yếu pin…
4. Nói không với điện thoại di động
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Trong các vật dụng cấm mang vào phòng thi, ngoài tài liệu, lỗi thí sinh vi phạm nhiều nhất là mang theo điện thoại di động. Theo quy chế thi, dù điện thoại đã tắt nguồn nhưng nếu thí sinh mang vào phòng thi và bị cán bộ coi thi phát hiện sẽ vẫn bị xử lý theo hình thức cao nhất là đình chỉ thi.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Mai Văn Trinh, đây là lỗi rất đáng tiếc, nhất là khi nhiều em chỉ vô tình mang vào phòng thi, điện thoại đã tắt nguồn nhưng vẫn phải bị xử lý theo quy chế. Theo đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đề nghị thí sinh đặc biệt lưu ý, nhớ để điện thoại di động bên ngoài khu vực thi để tránh những hậu quả đáng tiếc.
5. Hít thở sâu để giữ bình tĩnh
Hồi hộp, lo lắng là tâm lý chung của các thí sinh trước kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm học hành căng thẳng, đặc biệt là khi bắt đầu bước vào phòng thi. Theo các chuyên gia tâm lý, cách hiệu quả nhất để lấy lại bình tĩnh là thí sinh nên hít thở thật sâu để có thể bình tĩnh hơn. Từ đó, các em có thể làm bài thi hiệu quả hơn.
6. Thí sinh phải làm tất cả các bài thi, môn thi đã đăng ký
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 5 bài thi, gồm ba bài thi độc lập bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ; hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm ba môn thành phần lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (gồm ba môn thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Thí sinh được chọn thi một trong hai bài thi tổ hợp, hoặc chọn thi cả hai.
Trong mỗi bài thi tổ hợp, thí sinh bắt buộc phải làm đủ tất cả các bài thi của các môn thành phần. Nếu một trong bài thi của các môn thành phần bị điểm liệt, thí sinh sẽ bị trượt tốt nghiệp.
Nếu chọn thi cả hai bài thi tổ hợp, thí sinh bắt buộc phải làm cả hai bài thi tổ hợp.
7. Kiểm tra kỹ khi nhận đề thi
Ngay khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra đề xem có đủ số trang, số câu, các câu và các trang có cùng mã đề hay không (với đề trắc nghiệm), đề thi có phần nào bị mờ không… và báo ngay với cán bộ coi thi để xin đổi đề.
Các câu hỏi của đề thi sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó để thí sinh thuận lợi về tâm lý trong khi làm bài. Tuy nhiên, thí sinh cần đọc kỹ đề trước khi làm, không nên chủ quan dù với câu hỏi dễ.
8. Lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm
Trong kỳ thi THPT quốc gia có 5 bài thi, trong đó chỉ riêng bài thi môn ngữ văn theo hình thức tự luận, bốn bài thi còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm.
Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ được dùng bút chì đen tô các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời trắc nghiệm. Thí sinh cần tô đáp án, mã đề và số báo danh rõ ràng, chính xác, tránh việc tô mờ khiến máy chấm không đọc được đáp án hoặc đọc nhầm. Nếu thí sinh tẩy đáp án sai không sạch kết hợp tô đáp án mới mờ cũng sẽ dễ dẫn đến máy sẽ không nhận diện được đáp án chọn cuối cùng.
HÀ AN (Vietnam+)