Làm việc không hợp đồng: Người lao động chịu thiệt

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:01, 25/06/2019

Làm việc không có hợp đồng lao động (HĐLĐ), người lao động có thể bị mất rất nhiều quyền lợi cả trước mắt lẫn lâu dài.

Lao động mùa vụ thường chỉ thỏa thuận miệng với chủ sử dụng nên gặp nhiều bất lợi về chế độ. Trong ảnh: Nhóm thợ làm việc thời vụ tại xã Nam Đồng (TP Hải Dương) 

Mất quyền lợi

Cách đây khoảng 1 tháng, trong lúc đang làm việc tại một công ty cơ khí tư nhân, anh Nguyễn Văn Thủy ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đã bị tấm kính rơi làm rách cơ tay và ảnh hưởng đến phần gân ở chân. Gặp tai nạn lao động nhưng trong hồ sơ bệnh án của anh Thủy chỉ ghi là tai nạn thông thường. Nguyên nhân do anh Thủy không ký kết HĐLĐ với công ty nên khi xảy ra tai nạn 2 bên chỉ tự thỏa thuận. Chủ doanh nghiệp không thoái thác trách nhiệm, đã thanh toán hơn 20 triệu đồng tiền viện phí cho anh.

Nhưng đó mới chỉ là phần bồi thường trước mắt, còn về lâu dài anh Thủy vẫn chịu thiệt thòi. Vết thương của anh tuy không nghiêm trọng nhưng có thể để lại di chứng khiến việc đi lại, cử động cánh tay khó khăn. Sức khỏe cũng không còn như trước. Nhưng vì không ký HĐLĐ, không tham gia bảo hiểm nên anh Thủy không có thêm chế độ hỗ trợ.

Mới đây, anh Nguyễn Đức Thuận ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) đã nghỉ việc ở một cơ sở tư nhân tại TP Hải Dương. Do người quen giới thiệu nên anh vào làm mà không có giao kết. Thời gian làm việc, chế độ tiền lương, ăn, ở do hai bên thỏa thuận, không lập văn bản. Khi xảy ra mâu thuẫn, chủ cơ sở có lời lẽ xúc phạm anh và cho rằng họ phải nuôi anh ăn, ở. Thực tế đây là những quyền lợi chính đáng của người lao động.

Người làm việc không HĐLĐ hiện nay chủ yếu thuộc nhóm lao động tự do, người làm việc trong những doanh nghiệp tư nhân, lao động mùa vụ… Do không có HĐLĐ nên khi phát sinh các vụ việc họ rất khó đòi hỏi quyền lợi, thậm chí trắng tay. Theo Bộ luật Lao động, trong trường hợp người lao động không có HĐLĐ, không tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn trong quá trình làm việc thì doanh nghiệp phải thanh toán mọi chi phí điều trị cho người lao động. Nhưng trên thực tế, do “nắm đằng chuôi”, nhiều chủ doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người lao động để lách luật, tự thương lượng theo hướng có lợi cho mình.

Không vì cái lợi trước mắt

Lao động tự do làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng đối mặt với nguy cơ tai nạn cao nhưng thường không ký hợp đồng lao động

Đối với lao động mùa vụ, lao động tự do, việc ký HĐLĐ bằng văn bản có thể gặp khó khăn, nhưng đối với những người làm việc liên tục trong thời gian dài ở các doanh nghiệp thì đây là quy định bắt buộc. Trường hợp như anh Thủy kể trên là thuộc diện bắt buộc phải ký HĐLĐ bởi anh làm việc ở công ty liên tục cả năm. Lý do anh không ký HĐLĐ vì chưa hiểu rõ quy định, chỉ nghĩ làm công ăn lương, đến đâu chủ doanh nghiệp thanh toán đến đấy nên không cần hợp đồng. Không có hợp đồng, người lao động có thể tự do xin nghỉ nhiều ngày, sau đó có thể quay lại làm bất cứ lúc nào mà không lo bị phạt. Doanh nghiệp thì không ký HĐLĐ để tránh phải đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện các nghĩa vụ khác khi sử dụng lao động.

Ngoài ra, có nhiều người lao động do làm ở chỗ người quen nên cả nể, thậm chí không hiểu rõ quy định của pháp luật nên không ký kết HĐLĐ. Có người hiểu luật nhưng không muốn ràng buộc với doanh nghiệp, không muốn bị trích tiền đóng bảo hiểm nên không đề nghị ký kết HĐLĐ. 

Người lao động nên cân nhắc, không vì cái lợi trước mắt mà làm ngơ việc ký kết HĐLĐ. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những chủ doanh nghiệp không tuân thủ Luật Bảo hiểm xã hội trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Đây chính là một trong những yếu tố khiến chủ sử dụng lao động luôn tìm cách không ký HĐLĐ. 

THANH NGA

Điều 18, Bộ luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động như sau: Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.