Bệnh truyền nhiễm lây lan ở doanh nghiệp là dễ hiểu

Xã hội - Ngày đăng : 18:01, 29/06/2019

​Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp tại nhiều doanh nghiệp trong tỉnh.


Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Đình Thực về nguyên nhân của tình trạng này.



- Hiện đã xuất hiện 2 ổ dịch sởi tại Công ty TNHH Sao Vàng và chi nhánh của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (cùng ở huyện Ninh Giang); 1 ca sốt xuất huyết ở Công ty TNHH Hồng Dương (TP Hải Dương). Đây có phải là diễn biến bất thường không, thưa ông?

- Các ca bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện rải rác hằng năm, riêng dịch sởi có chu kỳ 4-5 năm. Nếu trước kia, phần lớn dịch sởi đã được khống chế thì mấy năm gần đây, bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn ở người lớn. Những trường hợp tiêm phòng đã lâu, nồng độ kháng thể giảm xuống cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh. Do người lớn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nên mới xuất hiện một số ổ dịch, ca truyền nhiễm trong doanh nghiệp. Việc này không có gì bất thường.

- Việc xử lý ổ dịch, các ca bệnh truyền nhiễm tại doanh nghiệp được tiến hành như thế nào?

- Việc xử lý về cơ bản tương tự như khi dịch bệnh xảy ra ở địa phương nhưng cũng có một số đặc thù. Đối với ổ dịch, ca bệnh tại địa phương thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh chỉ cần triệu tập cuộc họp với ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của địa phương để triển khai các biện pháp tuyên truyền, xử lý môi trường, tiêm bổ sung vaccine... Còn đối với doanh nghiệp, Ban chỉ đạo của tỉnh phải có giấy giới thiệu, sau đó cùng làm việc với ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của địa phương, đại diện lãnh đạo và y tế của doanh nghiệp. Việc thực hiện các thủ tục, nguyên tắc khá phức tạp và mất thời gian cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình phòng chống dịch bệnh.

- Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp tại một số doanh nghiệp liệu có phải do sự phối hợp giữa y tế doanh nghiệp và y tế địa phương chưa chặt chẽ? Có xảy ra tình trạng doanh nghiệp lơ là, không phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh?

- Lực lượng y tế trong doanh nghiệp rất mỏng, doanh nghiệp lớn thì có phòng y tế với nhiều người phụ trách còn doanh nghiệp nhỏ thường chỉ có 1 người làm công tác y tế, chỉ thực hiện chẩn đoán các ca bệnh thông thường với một số dụng cụ đơn giản như máy đo huyết áp, nhiệt kế... nên rất khó phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm. Gần như rất ít doanh nghiệp báo cáo cơ quan chuyên môn khi trong công ty có người mắc bệnh truyền nhiễm, chủ yếu do y tế địa phương báo cáo. Khi đoàn thực hiện các thủ tục vào làm việc, một số doanh nghiệp mới biết có người lao động mắc bệnh.

Công nhân trong doanh nghiệp đến từ nhiều nơi khác nhau. Hết thời gian làm việc, họ rời công ty trở về nơi sinh sống, cư trú nên việc giám sát địa bàn cư trú gặp nhiều khó khăn. Do phải bảo đảm hoạt động của các trang thiết bị sản xuất nên việc xử lý môi trường thường chỉ được tiến hành ở khu vực xung quanh, bên ngoài.

Đối với bệnh có vaccine phòng ngừa, cách xử lý ổ dịch tốt nhất chính là tiêm vaccine phòng bệnh, ngoài ra còn tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng chống. Các biện pháp này đều được khuyến cáo đối với doanh nghiệp nhưng có thực hiện hay không lại phụ thuộc vào doanh nghiệp. Đến sáng 26.6, chi nhánh Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam chưa triển khai tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho công nhân. Trước đó, Công ty TNHH Sao Vàng cũng không tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho người lao động theo như khuyến cáo. Do đó, việc các ổ dịch có thêm người mắc là điều dễ hiểu.

- Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRANG (thực hiện)