Chỉ vay vốn ODA để đầu tư và công khai lãi vay

Kinh tế - Ngày đăng : 08:06, 30/06/2019

Yêu cầu trên được Thủ tướng đưa ra trong Chỉ thị 18 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho chi đầu tư phát triển, không vay ODA cho chi thường xuyên.


Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản

Chỉ thị 18 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình và nguồn vay ODA từ nước ngoài đã kém ưu đãi hơn, lãi vay ODA đã tiệm cận lãi suất thị trường.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án vay vốn ODA đã trở lên đắt đỏ hơn vì chậm giải ngân, thay đổi thiết kế, phải tính lại tổng vốn đầu tư.

Một số dự án giao thông lớn sử dụng vốn vay ODA đã đội vốn hàng chục nghìn tỉ đồng như dự án metro số 1, metro số 2 (TP Hồ Chí Minh), dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (Hà Nội)…

Chỉ thị 18 nêu rõ: thời gian qua việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã đóng góp tích cực cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất điện, xử lý nước thải, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng trường học, bệnh viện…


Tuyến Metro số 1 TP Hồ Chi Minh

Tuy nhiên, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài còn có những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, giải ngân, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu làm tăng tổng mức đầu tư.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài thời gian tới phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng huy động, sử dụng nguồn vay trong từng thời kỳ.

Vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát các chương trình, dự án ODA đã ký kết có hiệu lực, đang triển khai để cắt giảm các khoản chi mang tính chất quản lý hành chính như mua sắm xe ô tô, thiết bị văn phòng, tổ chức hội thảo, hội nghị, đi khảo sát nước ngoài, nâng cao năng lực, quản lý dự án, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ để các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án, các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp làm cơ sở tính toán khi quyết định đăng ký đề xuất dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định Luật quản lý nợ công.

Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công trung hạn 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không sử dụng vốn vay ODA, vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay.

Các khoản chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, các khoản thuế, chi phí lãi suất, các khoản phí nước ngoài thu trong thời gian xây dựng phải được bố trí từ vốn đối ứng trong nước.

Theo Tuổi trẻ