Người gắn kết đồng hương Hải Dương ở Điện Biên

Xã hội - Ngày đăng : 18:37, 03/07/2019

Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Nguyễn Đức Đặng, Phó Trưởng Ban Liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương khu vực Điện Biên vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn và sự nhiệt tình hiếm có.


Ông Nguyễn Đức Đặng (ngồi giữa) thăm gia đình hội viên Hội Đồng hương Hải Dương ở TP Điện Biên

Ông sinh năm 1931 tại xã Văn Giang (Ninh Giang). Ông trốn gia đình nhập ngũ năm 1952, chiến đấu ở Cao Bằng, sau đó ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1958, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc, ông quay lại làm việc tại Nông trường Điện Biên.

Gần trọn cuộc đời gắn bó với Điện Biên, hiểu được nỗi lòng của những người con xa quê, ông Đặng sớm có ý tưởng thành lập Hội Đồng hương Hải Dương để anh em, bạn bè được gắn kết. Đầu năm 2003, khi đang là cán bộ điều tra dân số, ông bàn với em rể là ông Vũ Thái Tôn về việc thành lập hội. Ý định này được em rể ủng hộ.   

Nói là làm, hai ông tìm cách liên lạc với những người con Hải Dương khi ấy ở tỉnh Lai Châu (nay là hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu). Địa bàn rộng, điện thoại còn hiếm, phương tiện đi lại khó khăn nên việc liên lạc không phải dễ. May thay, hai ông đã tìm được những thành viên đầu tiên. Ban Chấp hành (BCH) lâm thời được thành lập với 12 thành viên. 12 người vận động để lập ra 12 chi hội. Ông Đặng kể, thời điểm ấy ông chỉ có chiếc xe đạp Thống Nhất do Nhà nước cấp. Ông đi nhiều nơi, nhiều chỗ mà không biết mệt, bởi đến nơi mình được gặp bà con, tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở của họ là đã thấy mừng. 

Nỗ lực của ông Đặng cùng những thành viên trong BCH lâm thời đã có kết quả xứng đáng. Ngày 7.5.2003, BCH lâm thời họp, quyết định thành lập Ban Liên lạc Hội Đồng hương Hải Dương khu vực Điện Biên, lấy ngày 30.10 hằng năm (Ngày Giải phóng TP Hải Dương) là ngày truyền thống. Năm đầu tiên đã thu hút được 374 người tham gia.

Thời điểm ấy, đa phần cuộc sống của bà con còn vất vả, kinh tế khó khăn nên Ban liên lạc thống nhất thu quỹ tượng trưng để bà con không gặp áp lực về kinh tế. Số quỹ cần đóng là 1.000 đồng/người/tháng vào thời điểm năm 2003. Đến năm 2010, quỹ hội mới tăng lên 2.000 đồng/người/tháng, chỉ được dùng cho các việc thiết thực như thăm hỏi người ốm, hỗ trợ hội viên gặp rủi ro, mừng thọ các hội viên cao tuổi… Năm 2012, nhận thấy cần có hoạt động giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế gia đình, quỹ hội nâng lên 50.000 đồng/người/năm...

Theo ông Đặng, trước đây nhiều gia đình thuộc diện đói nghèo nhưng hiện nay, hội không có hộ nghèo, 47,5% số gia đình có đời sống khá giả, 19% số hộ làm kinh tế giỏi. Hiện hội có khoảng 800 người, hoạt động ở 14 chi hội. 

Đến nay, hội đã đi vào hoạt động ổn định nhưng ông Đặng vẫn giữ thói quen thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình các hội viên. Ông bảo: “Mỗi người con Hải Dương luôn phấn đấu xây dựng quê hương thứ hai, để thế hệ sau có quyền tự hào về người xứ Đông trên vùng đất mới”.

HUYỀN ANH