Nghị viện châu Âu bị các nhà lãnh đạo châu Âu o ép

Bình luận - Ngày đăng : 16:44, 04/07/2019

Nghị viện châu Âu (EP) sẽ phải quyết định danh sách đề cử bốn chức danh chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) do Hội đồng châu Âu đề xuất vào ngày 2.7.


Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ, ngày 21.6.2019

Việc này chấm dứt cơ chế "Spitzenkandidat" (cho phép khối chính trị lớn nhất trong nghị viện có quyền chọn người thay thế Chủ tịch Ủy ban châu Âu), vốn được các nghị sĩ bảo vệ quyết liệt.

Bản danh sách cuối cùng của Hội đồng châu Âu đã không được EP hoan nghênh vì không có nhân vật nào đứng đầu danh sách. Tại phiên họp toàn thể đầu tiên ở Strasbourg (Pháp), EP đã chờ đợi quyết định của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ để tiến hành bầu ra người sẽ lãnh đạo cơ quan này. Danh sách bốn nhân vật được các nhà lãnh đạo châu Âu đề xuất để chèo lái "con thuyền" EU trong 5 năm tới đã để lại "vị đắng" đối với các quan chức được cử tri lựa chọn thông qua lá phiếu trực tiếp - những người luôn ủng hộ mạnh mẽ hình thức "Spitzenkandidat".

Một nghị sĩ người Pháp nói rằng hình thức bầu cử theo ứng cử viên đứng đầu chắc chắn không phải là hoàn hảo nhưng ít nhất cũng có giá trị tương quan với kết quả cuộc bầu cử EP cũng như với cách thức lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Người phải chịu trách nhiệm cho việc phá vỡ hình thức này chính là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Macron đã phản đối hệ thống "Spitzenkandidat", vốn đã được áp dụng trong cuộc bầu cử châu Âu lần trước và mang lại chiến thắng cho ông Jean-Claude Juncker với vị trí Chủ tịch EC. Mô hình này được các nghị sĩ hoan nghênh bởi họ hài lòng khi có được một phần ảnh hưởng trong tiến trình đề cử các chức danh mà từ trước cho tới thời điểm đó đều do lãnh đạo các quốc gia thành viên quyết định.

Vấp phải sự phản đối của nhà lãnh đạo Pháp và không có được đa số trong Nghị viện, ứng cử viên chính thức Manfred Weber của đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Đức, đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử, cuối cùng đã làm mất uy tín của mô hình "Spitzenkandidat". Bất chấp sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ứng cử viên Weber đã bị loại khỏi cuộc đua và phải nhường chỗ cho một người Đức khác được Pháp chấp nhận, đó là bà Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von der Leyen được đề cử vào chức Chủ tịch EC. Sự thất bại của mô hình "Spitzenkandidat" đã để lại nhiều nỗi cay đắng cho các nghị sĩ châu Âu. Một nghị sĩ đảng Xã hội tiếc nuối chia sẻ rằng EP đã hoàn toàn "ngủ trong mô hình này".

Việc bầu chọn Chủ tịch EP vẫn là đặc quyền của các nghị sĩ được bầu, như phát biểu của Chủ tịch đương nhiệm EP Antonio Tajani, người Italy. Trước khi khai mạc vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Tajani khẳng định EP sẽ tự chọn Chủ tịch của mình mà không liên quan đến những lời đề xuất bên ngoài. Bốn ứng cử viên bao gồm ông Jan Zahradil, người Czech thuộc đảng bảo thủ, bà Ska Keller, người Đức thuộc đảng Xanh, ông David Maria Sassoli, người Italy thuộc đảng Xã hội và bà Sira Rego người Tây Ban Nha thuộc phe cánh tả GUE sẽ phải giành được đa số phiếu bầu tuyệt đối để giành chức Chủ tịch EP. Bà Keller nói rằng các nghị sĩ không thể chấp nhận vị trí Chủ tịch EP sẽ được xử lý trong hậu trường. Bà Rego thừa nhận bà đại diện cho một nhóm nhỏ của diễn đàn kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt khẩn cấp về khí hậu. Ông Sassoli khẳng định nếu các nghị sĩ dành cho mình niềm tin, tất cả sẽ chiến đấu cùng nhau và ông sẽ dùng hết khả năng lực của mình để đảm bảo rằng EP phải được các nguyên thủ quốc gia tôn trọng. Ông Zahradil nhắc lại kinh nghiệm lâu năm của mình và nhấn mạnh việc ông là đại diện duy nhất của Đông Âu là ứng cử viên cho một vị trí cao cấp trong EU. Các nước Đông Âu đã thất bại trong việc đưa ra một đại diện vào các vị trí quan trọng được các nhà lãnh đạo châu Âu đề cử.

Vị trí Chủ tịch EP thường được chia sẻ giữa nhóm EPP và Liên minh Xã hội và Dân chủ Tiến bộ (S&D), mỗi bên đảm nhiệm một nhiệm kỳ hai năm rưỡi. Theo quy luật đó, ông Sassoli đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Chiến thắng của người Italy tại EP cho thấy các nước Đông Âu không giành được vị trí chủ chốt của EU.

Trong đề cử của các nhà lãnh đạo quốc gia thì Ursula Von der Leyen người Đức được giới thiệu đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Charles Michel người Bỉ sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Josep Borell người Tây Ban Nha giữ chức Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại và Christine Lagarde người Pháp giữ chức Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu.

Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đề nghị trong cuối phiên họp rằng EP sẽ dành chức Chủ tịch cho ông Serguei Stanishev người Bulgaria để cân bằng lại phân chia địa lý. Tuy nhiên, những thành viên đảng Xã hội đã từ chối ủng hộ ứng cử viên này. Mọi con mắt hiện đang dõi xem quyết định của EP sẽ ra sao đối với danh sách đề cử bốn chức danh chủ chốt của EU.

Theo TTXVN