Brexit không thỏa thuận sẽ tác động xấu đến kinh tế Anh, EU và thế giới
Bình luận - Ngày đăng : 10:08, 06/07/2019
Bà May (phải) đã phải trả giá bằng chiếc ghế thủ tướng của mình vì không đi đến được thỏa thuận Brexit
Hai ứng cử viên trong cuộc đua giành chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và nước Anh là cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt vừa tuyên bố sẵn sàng đưa nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, dù đây không phải là phương án được ưu tiên. Kịch bản xấu nhất này được dự báo sẽ tác động lớn tới kinh tế Anh cũng như EU và thế giới.
Nguy cơ suy thoái kinh tế Anh
Sau tuyên bố sẵn sàng đưa nước Anh rời EU vào ngày 31.10 tới mà không có thỏa thuận của cả cựu Ngoại trưởng Anh Johnson lẫn đương kim Ngoại trưởng Hunt, ngày 3.7, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney đã cảnh báo những nguy cơ gia tăng từ một Brexit không thỏa thuận.
Theo ông Carney, kinh tế Anh dường như đã suy giảm lần đầu tiên kể từ cuối năm 2012 trong quý II vừa qua, trước những lo ngại về việc nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. BoE cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh từ mức ước tính 1,3% được đưa ra trước đó xuống 1,2% trong năm 2019.
Một ngày sau khi Thống đốc BoE Carney đưa ra cảnh báo đối với kinh tế Anh liên quan đến Brexit không thỏa thuận, ngày 4.7 công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố kết quả thăm dò cho thấy Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống còn 50,2 điểm trong tháng 6, suýt soát mốc 50 - mức cho thấy một lĩnh vực đang không tăng trưởng.
Các chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng được công bố trước đó trong tuần này cho thấy các ngành này đã suy giảm trong tháng 6. Điều này có nghĩa là kinh tế Anh có thể giảm 0,1% trong quý II.
Ông Chris Williamson, nhà kinh tế kinh doanh trưởng của IHS Markit, cho rằng kinh tế Anh suy giảm là do nhu cầu giảm dần trong năm qua, khi sự bất ổn liên quan đến vấn đề Brexit ngày càng làm trầm trọng thêm tác động từ sự giảm tốc của kinh tế thế giới nói chung.
Cùng ngày, Phòng Thương mại Anh (BCC) nhận định đầu tư của các doanh nghiệp Anh trong năm 2019 sẽ giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua do tác động từ vấn đề Brexit.
Theo BCC, đầu tư kinh doanh năm 2019 của các công ty Anh sẽ ghi nhận mức giảm 1% so với năm 2018. Đầu tư suy giảm sẽ ảnh hưởng lên năng suất sản xuất, qua đó hạn chế đà tăng lương và đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế.
Ông Adam Marshall, Tổng Giám đốc BCC, cho biết sự trì trệ chính trị đã dẫn đến những ảnh hưởng về kinh tế, khi nhiều công ty đang trì hoãn các quyết định đầu tư và tuyển dụng.
Điều tồi tệ hơn là một số công ty đã thay đổi các kế hoạch đầu tư và tăng trưởng như một phần của phương án dự phòng “Brexit cứng”. Đây có thể là những khoản đầu tư không bao giờ quay trở lại Vương quốc Anh.
BCC cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh từ mức ước tính 1,3% được đưa ra trước đó xuống 1,2% trong năm 2019, tương đương mức dự báo mới nhất của BoE.
Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của kinh tế Anh trong một thập kỷ qua, phản ánh sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu cũng như những tác động từ vấn đề Brexit.
CC dự báo, kinh tế Anh sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng yếu 1,3% và 1,4% trong năm 2020 và 2021, đồng thời cho biết các dự báo của cơ quan này dựa trên giả thiết rằng nước Anh sẽ tránh được kịch bản Brexit không trật tự.
Ông Marshall cảnh báo, việc nước Anh rời khỏi EU một cách lộn xộn và không trật tự sẽ gây thiệt hại lâu dài cho triển vọng kinh tế của nước này.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế Anh có nguy cơ đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng nếu nước này rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận. Trong báo cáo, IMF đã xem xét các tác động của viễn cảnh "không thỏa thuận" có thể diễn ra.
IMF nhận định trong trường hợp xấu nhất, cuộc "ly hôn" không suôn sẻ giữa Anh và đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ dấn đến tình trạng đình trệ ở khu vực biên giới, làm gia tăng chi phí nhập khẩu đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Anh.
IMF dự đoán tình trạng đình trệ thương mại trong viễn cảnh đó sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 1,4% trong năm 2019 và 0,8% năm 2020. Theo IMF, do tác động của Brexit không thỏa thuận, GDP của Anh sẽ giảm 3,5% trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.
Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngành tài chính đóng vai trò ở vị trí tâm điểm bởi đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của Anh, chiếm 12% GDP.
London là trung tâm tài chính chính ở châu Âu. Các ngân hàng ngoài châu Âu hiện có trụ sở tại London muốn hoạt động kinh doanh với các nước khác trong EU và nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra thì họ không thể tiếp tục hoạt động tại Anh.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với các mặt hàng thực phẩm, quần áo và thuốc men.
Giữa bối cảnh có những quan ngại về một Brexit không có thỏa thuận nào vào ngày 31-10 tới sẽ tạo ra “cơn ác mộng” về thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng trong đợt Giáng Sinh sắp tới, các công ty của Anh đang lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, trong đó có thực phẩm, quần áo và thuốc men.
Liên đoàn công nghiệp Anh (CBI) ước tính các công ty đã chi tổng cộng hàng tỷ bảng để chuẩn bị Brexit không thỏa thuận.
Ngành hàng hải Anh cũng sẽ bị thua thiệt lớn nếu Brexit không thỏa thuận. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, ngành hàng hải, mặc dù chỉ đóng góp 0,6% GDP và 2,3% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước Anh, song là lĩnh vực trợ giúp lớn nhất cho nền kinh tế nước này thông qua việc thúc đẩy hoạt động thương mại.
Do vậy, khi việc dịch chuyển tự do hàng hóa giữa nước Anh và EU không còn sau Brexit thì việc áp dụng hoạt động kiểm tra hải quan, thuế quan, kiểm định, kê khai và tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa trao đổi giữa hai bên đang làm tăng chi phí của các doanh nghiệp xuất khẩu Anh. Ngoài ra, một hệ quả khác của “Brexit cứng” là nhu cầu đi lại của các công dân EU và Anh bằng đường biển có thể sẽ sụt giảm.
Tác động xấu tới EU và nền kinh tế toàn cầu
Không chỉ làm tổn hại kinh tế Anh, kịch bản không Brexit cũng sẽ tác động xấu đến EU và nền kinh tế toàn cầu.
Uỷ viên phụ trách vấn đề ngân sách của EU Gunther Oettinger cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của khối này sẽ phải chuẩn bị phương án ứng phó khẩn cấp đối với việc ngân sách của khối bị hụt hàng tỷ euro nếu nước Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" mà không đạt được thỏa thuận.
Ông Oettinger cho biết, việc “Brexit cứng” sẽ để lại "lỗ hổng" ngân sách của EU. Theo ông, con số này vào khoảng vài tỷ euro trong năm 2019 và "lỗ hổng" này lớn hơn nhiều trong năm 2020. Số liệu thống kê của EU cho biết trong năm 2017, khoản đóng góp của nước Anh trong ngân sách EU là 5,3 tỷ euro.
Ông Oettinger nêu rõ, trường hợp nước Anh đột ngột dừng mọi đóng góp cho ngân sách của EU sẽ khiến ngân sách bị thu hẹp trong nhiều năm tới, do đó EU cần có biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Còn theo IMF, tác động của Brexit không thỏa thuận khiến GDP của EU trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 sẽ giảm 0,5%. Cùng với đó, "Brexit cứng" có thể gây tác động ở nhiều phương diện mà người dân EU chưa ý thức được, từ giao thông hàng không hỗn loạn tới các cảng biển bị tê liệt và số phận bấp bênh của hàng triệu công nhân.
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa này, các quốc gia EU như Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Bỉ, Séc đang chi hàng triệu USD, tuyển hàng nghìn công nhân và ban hành các quy định khẩn cấp nhằm ứng phó với kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Nguy cơ Brexit không thỏa thuận cũng khiến các doanh nghiệp ở châu Âu lo ngại khi việc lưu thông hàng hóa bị việc tái áp đặt các quy định và biên giới ngáng trở.
Trong khi đó, Liên đoàn Hiệp hội ngành dược phẩm châu Âu cảnh báo mối đe dọa trực tiếp đối với sức khỏe của người dân trên khắp châu Âu nếu kịch bản Brexit "cứng" xảy ra. Theo đó, những tranh cãi về vấn đề biên giới có thể làm cản trở việc cung ứng dược phẩm, trong khi các nhà sản xuất thuốc tại cả nước Anh và EU đều sẽ không còn được hưởng lợi từ các quy định chung hay cấp phép dược phẩm.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo tình trạng Brexit hỗn loạn còn là một trong những mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu, với các nền kinh tế láng giềng phụ thuộc vào Eurozone như Bulgaria, Grudia, và khu vực Bắc Phi, các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển. WB khẳng định ở thời điểm hiện tại chưa thể ước định quy mô thiệt hại của tình trạng Brexit rối loạn.
Hiện có 49 quốc gia được xếp vào danh sách được hưởng lợi từ chế độ ưu đãi đối với 99% mặt hàng nhập khẩu. Mặc dù các nước này chỉ chiếm 1,15% lượng nhập khẩu của Anh, nhưng tỷ lệ xuất khẩu của họ sang Anh vượt quá 35% ngành may mặc bán sẵn, 21% ngành dệt may và 9% ngành mía đường. Việc mất các ưu đãi này cùng với việc rút tiền từ Anh khỏi EU có thể khiến GDP của các quốc gia kể trên giảm từ 0,1% xuống 1,8%.
Với các quốc gia phát triển, cụ thể là Nhật Bản. Tokyo đã lo ngại về kịch bản “Brexit cứng”. Trong bối cảnh cả hai ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng Anh đánh đi tín hiệu rằng nước này có thể rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận, mới đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết đã đề nghị Anh cố gắng tránh kịch bản Brexit "cứng".
Brexit không thỏa thuận đồng nghĩa với việc sẽ không có thời kỳ chuyển giao. Điều này khiến cho sự ra đi của nước Anh trở nên đột ngột và là kịch bản “ác mộng” đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhật Bản lâu nay vẫn xem Anh là “cửa ngõ” vào thị trường EU rộng lớn. Quốc gia châu Á này hiện có khoảng 1.000 công ty tại Anh, trong đó có nhiều nhà sản xuất ô tô và công ty công nghệ lớn, với số vốn đầu tư vào Anh đạt hơn 76 tỷ USD.
Do vậy, Ngoại trưởng Kono cảnh báo một vụ “ly hôn” lộn xộn giữa nước này và EU có nguy cơ làm gián đoạn đầu tư của những công ty này. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản dễ bị tổn thương trước những biến động từ một Brexit "cứng".
Chính vì vậy, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản phản đối mạnh mẽ Brexit không thỏa thuận do lo sợ sẽ phải chịu mức thuế lên tới 10%, sự trì hoãn trong hải quan và các thủ tục hành chính mới có thể làm tê liệt hoạt động sản xuất.
Theo TTXVN