Điện mặt trời có dễ bán?
Thị trường - Ngày đăng : 14:35, 06/07/2019
Hiện chưa có quy định về việc mua bán điện mặt trời giữa các gia đình với công ty tư nhân, HTX kinh doanh điện
Với những lợi ích thiết thực, thời gian qua đã có không ít khách hàng lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) phục vụ nhu cầu sử dụng và kinh doanh. Mặc dù vậy, việc mua bán ĐMT ở nhiều HTX, công ty tư nhân quản lý, kinh doanh điện gặp khó khăn do chưa có quy định cụ thể.
Người dân phân vân
Vào mùa hè (từ tháng 5-10), trung bình mỗi tháng ở Hải Dương sẽ có 168 giờ nắng và mùa đông có 48 giờ nắng nên việc lắp đặt và sử dụng ĐMT khá hợp lý. So với trước đây, chi phí lắp đặt pin mặt trời đã giảm, hiện chỉ còn từ 15-19 triệu đồng/ kWp. Các tấm pin mặt trời có thể cho khai thác từ 25-30 năm, quá trình sử dụng không tốn kém chi phí quản lý, bảo dưỡng. Ở công suất cực đại, trong 1 giờ, 1 kWp sẽ sản xuất được 3 kWh điện. Theo tính toán, sau khoảng 5-6 năm khách hàng sẽ thu hồi chi phí lắp đặt.
Mặc dù có nhiều thuận lợi để lắp đặt ĐMT nhưng không ít gia đình đang băn khoăn về cơ chế mua bán điện, nhất là ở những nơi không do ngành điện quản lý trực tiếp. Gia đình anh Nguyễn Năng Hòa ở xã Hồng Phong (Nam Sách) đang sử dụng điện của HTX Điện Hồng Phong. Vào mùa nắng nóng, có tháng gia đình anh Hòa phải trả đến cả triệu đồng tiền điện. Sau khi tìm hiểu, anh Hòa rất muốn lắp đặt ĐMT phục vụ nhu cầu của gia đình và kinh doanh nhưng thấy hiện chưa có quy định việc mua bán ĐMT giữa khách hàng và các công ty tư nhân, HTX kinh doanh điện nên anh chưa triển khai. "Tôi đang phân vân không biết HTX có mua điện không để đầu tư lắp ĐMT. Nếu sử dụng không hết mà không bán được sẽ rất lãng phí", anh Hòa nói.
Gia đình chị Trần Thị Hương ở xã Việt Hưng (Kim Thành) cũng có nhu cầu lắp đặt ĐMT phục vụ sinh hoạt và kinh doanh. Hằng tháng gia đình chị tiêu thụ một lượng điện đáng kể. Chị muốn lắp đặt ĐMT để vào mùa hè có thể sử dụng điện thoải mái hơn, còn thừa sẽ bán. "Tôi thấy ở những nơi ngành điện quản lý, người dân có thể bán điện trực tiếp cho họ. Còn ở đây chúng tôi phải sử dụng điện qua một đơn vị trung gian thì không biết việc mua bán sẽ như thế nào?", chị Hương thắc mắc.
Chưa có quy định đối với doanh nghiệp tư nhân
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản yêu cầu tất cả Điện lực các tỉnh, thành phố phải mua lại điện khi khách hàng lắp ĐMT đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và có nhu cầu bán. Mức giá được quy định theo từng năm. Năm 2019, ngành điện sẽ mua 2.134 đồng/ kWh và lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều cho khách hàng. Khách hàng đang sử dụng điện của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) sẽ thuận lợi trong mua bán điện.
Tuy nhiên, chưa có quy định về việc mua bán ĐMT giữa khách hàng với các công ty tư nhân, HTX kinh doanh điện. Công ty TNHH Phúc Thiện đang bán điện cho khách hàng ở 2 xã Liên Hồng và Yết Kiêu (Gia Lộc). Theo anh Phạm Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thiện, do chưa có quy định về mua bán ĐMT đối với công ty tư nhân kinh doanh điện nên chưa biết thực hiện thế nào. Hiện nay công ty của anh Thiện mua điện theo giá quy định 6 bậc, từ 1.403 - 2.325 đồng/kWh và bán cho người dân cũng theo 6 bậc từ 1.678-2.461 đồng/kWh. Trong khi đó ngành điện lại đang mua ĐMT với giá 2.134 đồng/kWh. "Mức giá này sẽ gây khó khăn trong kinh doanh bởi chúng tôi mua điện của người dân với giá cao hơn của ngành điện. Chúng tôi cũng phải đầu tư công tơ đo đếm nên chi phí sẽ tăng thêm", anh Thiện nói.
Để khuyến khích phát triển ĐMT, đồng thời giải quyết được băn khoăn của cả đôi bên trong mua bán điện, theo ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Năng lượng (Sở Công thương) có thể thực hiện hình thức mua bán kép. Đó là người dân sản xuất ĐMT bán lại cho các HTX, công ty kinh doanh điện, rồi các HTX, công ty lại bán cho ngành điện. "Do hiện nay chưa có hướng dẫn việc mua bán điện giữa khách hàng với các đơn vị kinh doanh điện tư nhân, HTX nên trước mắt chỉ có thể giải quyết như vậy. Về lâu dài, chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung các quy định về mua bán ĐMT để phù hợp với thực tế", ông Thành cho biết.
THANH HÀ