Ngày nay ai bán dầu đèn?

Xã hội - Ngày đăng : 10:49, 07/07/2019

Cuộc sống hiện đại với hệ thống điện lưới phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn đã làm nhiều người quên đi một thời mọi sinh hoạt đều gắn bó với chiếc đèn dầu.

Bà Thành và chiếc xe đạp chở dầu từ mấy chục năm nay

Như một điều tất yếu, những người đi bán dầu đèn ngày càng trở thành "của hiếm" trong xã hội.

Thời hoàng kim

Ở thời ánh sáng đèn điện còn xa xỉ thì chiếc đèn dầu gắn với mọi mặt đời sống của người dân, đi vào kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc "sống dầu đèn, chết kèn trống". Người chết không thể thiếu kèn trống cho đủ nghi thức tang ma, thể hiện sự hiếu kính với ông bà tổ tiên, cũng như người sống không thể thiếu dầu đèn để duy trì sinh hoạt, sản xuất. Vì vậy, bán dầu đèn trở thành một nghề để mưu sinh trong xã hội.

Vào thời hoàng kim của nghề này cách nay mấy chục năm, bà Ngô Thị Thành, sinh năm 1960, ở thôn Trụ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) và hàng chục người trong thôn cùng đi bán dầu đèn ở khắp xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng và ngõ phố tại TP Hải Dương. Loại dầu đèn được bán là dầu hỏa không màu, khi thắp, đun có mùi đặc trưng, thường dùng để thắp sáng, đun bếp. “Ngày đó nhà nào tiết kiệm chỉ thắp sáng thì 1 tháng lấy từ 1-2 lít dầu, nhà nào sang hơn lấy từ 30-40 lít để vừa thắp sáng vừa đun bếp cho sạch sẽ, không phải dùng bếp than. Những nhà làm bánh cuốn, phở, bún, làm hàng ban đêm thường lấy can, phuy dầu thắp sáng, còn đun phải dùng bếp than để tiết kiệm chi phí”, bà Thành nói.

Thời dầu đèn có giá 2.500 đồng/lít, mỗi tháng bà Thành và những người bán dầu đèn ở thôn Trụ bán được hàng trăm lít dầu, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đồ nghề của bà Thành và những người bán dầu đèn là một chiếc xe đạp để rong ruổi khắp nơi, hai bên hông xe chằng hai can dầu, trên ghi đông và ghế sau treo, chằng những chiếc làn cói đựng chai nhựa, túi nilon để rót dầu cho khách. Thời đó, dầu đèn còn được bán phổ biến ở các cây xăng trong tỉnh.

Vắng bóng

Từ sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt, sản xuất, dầu đèn dần chỉ có mặt ở các cơ sở tâm linh, thờ tự hoặc giỗ, Tết trong các gia đình do lưới điện phủ kín khắp nơi, bếp gas, bếp điện phổ biến. Dầu đèn nay chỉ còn được bán ở số ít cây xăng hoặc tại các hộ bán vàng mã, vật phẩm thờ cúng. Là một trong những người còn sót lại của thôn Trụ đi bán dầu đèn, bà Thành phải nhập dầu từ đầu mối ở TP Hải Phòng mới có hàng để bán. Trước kia, mỗi tháng bà bán được hàng trăm lít dầu, bây giờ chỉ được vài chục lít với giá 35.000 đồng/lít.

Cũng như bà Thành, bà Nguyễn Thị Thiệp, sinh năm 1959, hiện ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) đã gắn bó với nghề bán dầu đèn khoảng 30 năm nay. Xã hội dần thay đổi nhưng đồ nghề của bà vẫn là chiếc xe đạp, can dầu, chai nhựa, ngày ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp, rao bán bằng miệng chứ không dùng loa. Chỉ khác là giờ đây bà có thêm chiếc điện thoại di động để kết nối với khách hàng. Do đã cao tuổi, khó xin việc tại các doanh nghiệp nên bà Thành, bà Thiệp mới bám trụ với nghề này. Ngoại trừ những ngày mưa, mỗi tháng các bà đi bán rong từ 15-20 ngày, thu nhập chỉ từ 30.000-50.000 đồng/ngày. Dù bán được ít, thu nhập thấp nhưng khi được mời chào bán các loại dầu thơm để phục vụ thờ cúng, các bà đã từ chối vì lo lắng các loại dầu này không rõ nguồn gốc, độc hại cho sức khỏe.

Tại thôn Trụ, thị trấn Lai Cách, hiện nay số người còn bán dầu đèn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người đã chuyển sang những nghề mang lại thu nhập cao hơn như trồng đào, làm công nhân, dịch vụ... Chỉ vào dịp cuối năm, nhiều người trồng đào tại thôn Trụ mới mang theo dầu đèn đi bán cùng với đào như để nhớ đến nghề đã gắn bó, nuôi sống gia đình mình trong thời cả đất nước còn khó khăn. Cùng với cành đào to đẹp trang trí ở phòng khách, nhiều khách quen của người dân thôn Trụ không quên mua 1-2 lít dầu để "giữ lửa" trên ban thờ, bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền.

Là khách quen của bà Thành hàng chục năm nay, bà Đinh Thị Nguyệt, sinh năm 1940, ở khu 4, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có nhiều kỷ niệm với chiếc đèn dầu. Nhiều năm nay, bà Nguyệt vẫn mua dầu đèn để thắp ở nhà lúc tụng kinh, niệm Phật, khi chẳng may nhà mất điện và mang đến đình làng. “Mỗi lần thắp đèn dầu, tôi lại nhớ đến tháng ngày mưu sinh vất vả thời bao cấp, lúc gia đình, xóm làng đầm ấm mỗi tối bên chiếc đèn dầu. Ngày xưa hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau, thời hiện đại rồi, có khi đèn nhà ai nhà nấy rạng”, bà Nguyệt thở dài.

Rong ruổi trên khắp các con đường, những người như bà Thành, bà Thiệp không chỉ chở dầu đèn mà còn mang theo bao kỷ niệm, ký ức về thời khó khăn nhưng đầm ấm nghĩa tình cho những người hoài cổ.

BÌNH AN