Một ngày ở làng phong

Xã hội - Ngày đăng : 18:33, 07/07/2019

Cuộc sống của những bệnh nhân ở Bệnh viện Phong Chí Linh đã mở ra những trang mới đầy hy vọng, an vui.

Cụ Nguyễn Thị Suối, bệnh nhân phong cao tuổi nhất ở làng phong sống yên vui trong sự quan tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện Phong Chí Linh

Không còn những tháng ngày đớn đau buồn tủi, bị xa lánh, kỳ thị, cuộc sống của bệnh nhân ở làng phong (tên thường gọi của Bệnh viện Phong Chí Linh) ở khu dân cư Trại Trống, phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh) đã mở ra những trang mới đầy hy vọng, an vui.

Thời lặng lẽ, buồn tủi

Khi những tia nắng ban mai còn chưa ló rạng, cỏ cây, hoa lá như đang chìm vào giấc ngủ say thì các cụ già đã dậy thật sớm, đi bộ nhiều vòng quanh vườn vải, vườn nhãn, ao cá, vừa đi, vừa lắng nghe tiếng chim chuyền cành ríu rít. Ở các nếp nhà san sát nhau, có nhà đã nổi lửa nấu cơm hay đun siêu nước pha gói mỳ. Khung cảnh bình yên này giống như bao làng quê bình thường khác. Nhưng đây lại là làng phong Chí Linh, nơi từng bị xã hội xa lánh trong hàng thập kỷ.

Dừng bước dưới bóng mát của cây vải trong khu vực điều trị, nhớ lại sự kỳ thị trước kia của người dân, cụ Phạm Văn Chế (sinh năm 1934, ở xã Cẩm Đoài, Cẩm Giàng) vẫn còn chua xót: "Căn bệnh như cái tội khoác lên vai chúng tôi. Mỗi lần có người lạ đến là chúng tôi nằm rạp xuống đất chào, chào xong liền chạy đi thật nhanh vì sợ lại bị đánh, bị ném đất đá vào người như hồi chưa vào viện". Khi bệnh nhân phải đi ra ngoài bệnh viện để mua thuốc, đồ ăn, người dân không bán cho hoặc bắt đứng ra thật xa mới bán. Con của bệnh nhân ra khỏi làng phong đến trường học thường bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc, nhiều lần bố mẹ phải đi cùng để các cháu khỏi bị đánh, bị xua đuổi. Không chỉ người ngoài mà chính người thân cũng kỳ thị bệnh nhân. Các nhân viên y tế tại đây cho biết có nhiều người đưa người nhà đến bệnh viện nhưng lại nói là hàng xóm giúp đưa người bệnh đến chữa trị.

Những ai từng đến làng phong cách đây nhiều năm có lẽ không quên được không khí buồn tủi, u ám trong cuộc sống thường ngày của bệnh nhân nơi đây. Ở khu bệnh nhân cần chăm sóc toàn diện, lịch sinh hoạt hàng chục năm nay không thay đổi là 10 giờ ăn bữa trưa, 15 giờ 30 ăn bữa tối. Các hộ lý mang cơm đến cho bệnh nhân tự ăn hoặc xúc cho người bệnh. Sau bữa tối, dường như các hoạt động ở làng phong đều dừng lại trong không khí im lìm, tĩch mịch.

Căn bệnh phong không chỉ mang đến những vết lở loét, viêm nhiễm làm họ mất dần các ngón tay, thậm chí cả bàn tay, bàn chân mà khiến họ có mặc cảm “chịu tội”. Đồng bệnh tương lân, nhiều người đã nhận nhau là gia đình để chia sẻ, nương tựa vào nhau, nhưng nụ cười vẫn hiếm khi xuất hiện trên gương mặt họ. Họ sống lặng lẽ trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ân cần của y, bác sĩ, nhân viên y tế và sự dửng dưng, kỳ thị của nhiều người trong xã hội.

Tuy nhiên, đó là chuyện của hàng chục năm về trước. Những năm gần đây, đất nước phát triển, chế độ và sự quan tâm của xã hội đối với bệnh nhân phong ngày càng tăng lên. Trước đây, có thời điểm bệnh viện có gần 300 bệnh nhân nội trú, số phòng bệnh ít, có khi 4 bệnh nhân phải ở chung trong căn phòng rộng 8 m2. Sau này, nhiều bệnh nhân qua đời, mỗi năm bệnh viện nhận thêm từ 4-5 bệnh nhân mới. Hiện bệnh viện chỉ còn 110 bệnh nhân. Khoảng năm 1980, khi một số người nhận nhau là vợ chồng có nhu cầu sống tách riêng, Ban lãnh đạo bệnh viện đã tạo điều kiện cấp cho mỗi gia đình một mảnh đất nhỏ để xây nhà, nên hiện mỗi phòng bệnh chỉ còn từ 1-3 người. Các bệnh nhân chủ yếu sống riêng hoặc sống cùng vợ hoặc chồng, chỉ các bệnh nhân cần chăm sóc toàn diện mới sống chung. Thời bao cấp mỗi bệnh nhân được trợ cấp 18.000 đồng/tháng, sau đó tăng dần lên, hiện là 1.080.000 đồng/tháng. Khoảng 7 năm nay, tất cả bệnh nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ sự quan tâm của các sở, ngành, Ban lãnh đạo bệnh viện và các nhà hảo tâm, đời sống của người bệnh ở làng phong ngày càng đổi thay.

An vui

Đổi thay lớn nhất ở làng phong hiện nay chính là đời sống và tinh thần của người bệnh. Sau khi tản bộ sáng sớm về, ông Chế bắt đầu tự mình nấu cơm. Chỉ còn 1 ngón tay nhưng ông đã quen với những công việc thường ngày. Trước khi vào điều trị ở bệnh viện, ông đã có vợ và hai con gái tại Cẩm Giàng. Trước kia thỉnh thoảng ông về quê thăm vợ con nhưng từ khi vợ mất, các con lấy chồng, nhiều năm nay ông ít trở về.

Ông Chế cho biết các bệnh nhân ở đây hầu hết gắn bó suốt đời với bệnh viện vì họ không chỉ được chăm sóc y tế mà còn được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Những năm gần đây, mỗi năm bệnh viện đón từ 30-40 đoàn sinh viên, tình nguyện viên, nhà hảo tâm... về giúp đỡ bệnh nhân trong cuộc sống, tổ chức các chương trình ý nghĩa dịp Tết cổ truyền, Tết Thiếu nhi, dịp Giáng sinh... "Đoàn cho ti vi, đoàn cho đài, đoàn lại tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, gói bánh chưng nhân các ngày lễ, Tết... khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, bởi không còn bị kỳ thị mà được quan tâm, chia sẻ. Có bệnh nhân từng điều trị ở đây đã về quê sinh sống, nhưng sau đó lại xin lãnh đạo bệnh viện cho quay lại", ông Chế nói.

Sau thời gian điều trị, không ai còn mang vi khuẩn bệnh phong trong người, chỉ còn các di chứng do bệnh nên nhiều người có thể lao động nhẹ nhàng. Những năm gần đây, các nhà hảo tâm đã tài trợ bệnh viện một số dự án nuôi gà, nuôi cá giao cho những bệnh nhân có sức khỏe đảm nhận. Một số gia đình còn nhận khoán vải, nhãn, làm may, hàng mã… để kiếm thêm tiền chăm lo cuộc sống.

Đến thăm chị Vũ Thị Dịu (sinh năm 1978) ở thôn Dương Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang), một trong những bệnh nhân trẻ tuổi ở đây, tôi thấy chị đang luôn tay sửa quần áo bên chiếc máy may. Chị đi khám và phát hiện bệnh khi 30 tuổi, có con gái 4 tuổi. Từ khi điều trị đến nay, hai mẹ con chị Dịu luôn gắn bó với bệnh viện. Để nuôi con ăn học, chị nhận may, sửa quần áo, nhận khoán 30 cây vải và nuôi thêm 20 con gà chọi. “Ở làng phong tôi được tạo cơ hội để lao động bằng chính sức mình. Các nhà hảo tâm xây dựng chùa và nhà nguyện tại bệnh viện, chúng tôi được kết nối với những người cùng đức tin, thêm tin yêu cuộc sống”, chị Dịu chia sẻ.

Đúng 5 giờ 30 chiều, chị Dịu xuống nhà nguyện với những người theo đạo Thiên Chúa trong làng. Thời điểm này cũng là lúc các phật tử kết thúc giờ tụng kinh, niệm Phật hằng ngày tại chùa Từ Ân, ngôi chùa được xây dựng trong khuôn viên làng, để về nhà chuẩn bị cơm chiều hoặc tập trung ở hội trường trung tâm tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Trong không gian yên ả dịu mát của buổi chiều hè, tiếng hát karaoke và tiếng cổ vũ bóng bàn, bóng chuyền vang lên sôi nổi, phá tan sự tĩnh lặng trầm buồn trước kia.

Càng về chiều mát, hội trường trung tâm càng đông vui, nhộn nhịp, thu hút nhiều bệnh nhân đến xem và cổ vũ. Hoạt động văn nghệ, thể thao ở đây bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 6 sau khi Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập. Trong buổi lễ công bố quyết định thành lập câu lạc bộ ngày 22.6, các nhà hảo tâm đã trao tặng loa đài, máy tính, trang thiết bị thể dục thể thao… trị giá hàng trăm triệu đồng. Chị Trần Thị Định (25 tuổi), bệnh nhân trẻ nhất bệnh viện đang chống nạng đứng cổ vũ bóng chuyền cho biết: “Từ ngày câu lạc bộ được thành lập, tôi thấy đời sống ở đây vui vẻ hẳn lên. Ai đủ sức khỏe thì tham gia tập luyện, ai không tập thì đứng xem, cổ vũ như tôi cũng thấy vui lây, quên đi buồn tủi bệnh tật”.

Bác sĩ Nguyễn Quang Cương, Giám đốc Bệnh viện Phong Chí Linh khẳng định, trong những năm qua nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đời sống của bệnh nhân ở làng phong đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ được chăm lo về sức khỏe, sự quan tâm ấy còn giúp người bệnh phát huy được khả năng của mình, có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Sau một ngày đến thăm làng phong, hình ảnh ấn tượng nhất đọng lại trong tôi là nụ cười móm mém hiền lành của cụ Nguyễn Thị Suối (99 tuổi), bệnh nhân cao tuổi nhất làng phong. Giống như cụ Suối, có tới hơn 90% số bệnh nhân phong trong tổng số 110 bệnh nhân đang điều trị ở đây là người cao tuổi. Nhờ sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội, đi qua quá khứ đắng cay, giờ đây các bệnh nhân ở làng phong đã có cuộc sống khỏe mạnh hơn, yên vui trong một mái nhà chung ấm tình người.

VIỆT QUỲNH