Thương hiệu Việt 'bám rễ' siêu thị Mỹ

Thị trường - Ngày đăng : 13:54, 08/07/2019

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các doanh nghiệp Việt đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và vươn tầm ra thế giới.

Tại dây chuyền sản xuất của NutiFood, một doanh nghiệp hướng ngoại mạnh thời gian qua - Ảnh: T.DỊU

Không chỉ mời gọi đối tác chiến lược, vốn từ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh thành công hơn khi thâu tóm doanh nghiệp ngoại, mở nhà máy ở nước ngoài, tận dụng nhân lực ngoại...

Có trên kệ 300 siêu thị Mỹ

Một trong những doanh nghiệp Việt Nam có bước tiến nhanh chóng để vươn ra thế giới trong vòng hai năm trở lại đây là NutiFood với hàng loạt thương vụ hợp tác đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản đến châu Âu. 

Mới đây nhất, NutiFood đã xuất khẩu 15 container các sản phẩm sữa chua uống tiệt trùng đóng chai với nhiều hương vị đa dạng như cam, dâu, xoài... với số lượng 2 triệu đơn vị sản phẩm, được mang thương hiệu riêng phù hợp với thị trường Hoa Kỳ. Đây là nhóm sản phẩm dinh dưỡng thứ hai NutiFood xuất sang thị trường Mỹ sau sữa đặc trị cho trẻ biếng ăn Pedia Plus. 

Hiện tại sản phẩm của công ty đã có mặt trên kệ hàng của hơn 300 siêu thị ở bang California.

Quá trình đưa sản phẩm dinh dưỡng vào Mỹ không đơn giản. Không những sản phẩm phải đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mà nhà máy sản xuất của doanh nghiệp bắt buộc phải có chứng nhận FDA do tổ chức kiểm định được FDA Hoa Kỳ ủy nhiệm đánh giá. 

Sau gần 2 năm theo đuổi, NutiFood mới đạt được tấm "visa" vào Mỹ khi được cấp chứng nhận FDA của Hoa Kỳ vào đầu năm 2018, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được sữa bột pha sẵn Pedia Plus dành cho trẻ biếng ăn sang thị trường Mỹ, mở đầu cho chuỗi hành trình vươn ra thế giới của công ty này.

Chưa dừng lại, NutiFood ký kết hợp tác với tỉ phú Erik Paulsson để xây dựng nhà máy sữa Thụy Điển, trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam đầu tư vào quốc gia Bắc Âu này. Và mới đây, nhà máy sữa NutiFood tại Thụy Điển đã đi vào hoạt động, mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm dinh dưỡng chuẩn organic vào thị trường châu Âu và châu Á.

Ông Trần Thanh Hải, chủ tịch NutiFood cho biết nhà máy này sẽ là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cao cấp cho các dòng sản phẩm của công ty cho thị trường Việt Nam và thị trường xuất khẩu. Khi những sản phẩm của nhà máy có chỗ đứng ở châu Âu sẽ mở ra cơ hội phân phối cho các sản phẩm của công ty đang sản xuất cho thị trường trong nước. Nhà máy này là một mắt xích quan trọng đưa hàng Việt Nam ra thế giới.

Tận dụng nhân tố ngoại

Cùng với cạnh tranh ngày càng mạnh, các doanh nghiệp Việt thuê những đối tác hàng đầu thế giới cũng ngày càng nhiều. Để tạo dấu ấn cho đại đô thị Vinhomes Ocean Park tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đã hợp tác với công ty đa quốc gia Crystal Lagoons (Mỹ) để xây dựng biển hồ nước mặn rộng 6,1 ha giữa thủ đô. 

Crystal Lagoons được biết đến là công ty chuyên thiết kế công trình biển hồ nhân tạo hàng đầu thế giới.

Biển hồ do Crystal Lagoons thiết kế, xây dựng sử dụng lượng hóa chất ít hơn 100 lần so với bể bơi thông thường. Việc đưa công nghệ xây biển hồ vào thành phố nhằm hiện thực hóa giấc mơ sống gần biển của cư dân đã tạo sức hút khá riêng biệt cho dự án.

Sau thành công với chuỗi trang trại chăn nuôi gà công nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP từ những năm 2010, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình quyết định đầu tư nhà máy giết mổ và chế biến thịt gia cầm hiện đại theo tiêu chuẩn HACCP. Một trong những quyết định mà những lãnh đạo của Long Bình cho rằng thành công nhất để thực hiện kế hoạch này chính là thuê chuyên gia nước ngoài về triển khai và quản lý công tác an toàn thực phẩm tại các khâu của nhà máy.

Ông Nguyễn Như Sinh, Giám đốc Công ty Long Bình nhớ lại khi đó nhà máy mới xây dựng nên doanh nghiệp ông muốn mọi công đoạn phải đạt chuẩn an toàn. Thuê một chuyên gia đến từ Canada đảm nhiệm vai trò này vẫn còn là một chuyện lạ với nhiều công ty trong ngành. 

Tuy nhiên, cho đến nay, đó lại là một trong những quyết định đem lại thành quả không nhỏ cho công ty. Sản phẩm của Long Bình hiện đã có mặt trong chuỗi an toàn thực phẩm của TP Hồ Chí Minh và cung cấp cho các chuỗi thức ăn nhanh của nước ngoài tại Việt Nam.

"Tất nhiên so với các tiêu chuẩn tại Canada là chưa được, nhưng so với tiêu chuẩn chung trên thị trường, chúng tôi tự tin đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng và truy xuất được nguồn gốc" - ông Sinh nói.

Dẫn đầu ở thị trường lạ

Một điểm bán của Movitel (thương hiệu của Viettel) ở Mozambique - Ảnh: T.TÙNG

Đầu tháng 7.2019, Movitel - thương hiệu của Viettel tại Mozambique - được Ngân hàng Thế giới (World Bank) lựa chọn làm đối tác cho ba dự án nâng cao chất lượng sống và khả năng tiếp cận tài chính cho người nghèo tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa Mozambique với tổng trị giá là 20,5 triệu USD.

Đây là một trong những kết quả đáng được ghi nhận sau 13 năm tham gia hoạt động đầu tư nước ngoài của Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) thuộc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel. Không nhiều người biết Viettel Global hiện đã lọt vào danh sách 15 nhà mạng có số thuê bao lớn nhất thế giới và đứng vị trí số 1 về thị phần ở 6 trong số 10 quốc gia Viettel đang đầu tư.

Nâng tầm giá trị cho cà phê Việt

Khi đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành hàng cà phê, NutiFood cũng thực hiện một bước đi táo bạo khi quyết định bắt tay với huyền thoại golf Greg Norman vào tháng 3.2019. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác thành lập một liên doanh mang tên Greg Norman NutiFood tại Mỹ và đặt trụ sở văn phòng tại tiểu bang New York.

NutiFood sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình nghiên cứu, sản xuất và phân phối các sản phẩm cà phê, còn Greg Norman sẽ cấp bản quyền và giấy phép để liên doanh sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo mang tên của mình trên các sản phẩm cà phê do công ty sản xuất. 

Liên doanh cũng sẽ mở chuỗi quán cà phê mang thương hiệu Greg Norman NutiCafé ở Việt Nam và các quốc gia châu Á trước, sau đó trong tương lai sẽ mở rộng sang Mỹ để giới thiệu các sản phẩm cà phê Greg Norman NutiCafé.

Nói về việc hợp tác này, ông Trần Thanh Hải hào hứng: "Trăn trở về chuyện vì sao Việt Nam là nước có sản lượng cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng chỉ toàn xuất thô thúc đẩy chúng tôi phải tìm ra cách. 

Năm ngoái, khi công ty chính thức chào sân sản phẩm NutiCafé với thị trường cũng là lúc chúng tôi đi bước đầu tiên hiện thực hóa khát vọng nâng tầm giá trị cho hạt cà phê và từng bước vươn ra thế giới. Gắn với thương hiệu Greg Norman, tôi tin sản phẩm cà phê của chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để vươn ra thế giới".

Chưa muốn xuất hiện trước truyền thông, nhưng ông T., chủ một doanh nghiệp tại Hưng Yên tham gia làm linh kiện điện tử từ sớm, đã quyết định thuê hàng loạt nhân sự người Hàn Quốc về làm cho mình. Đến nay, doanh nghiệp của ông đã tham gia cung cấp linh kiện cho hàng loạt hãng như LG, Canon... 

Ông chia sẻ: "Nhiều doanh nghiệp đã âm thầm hướng ngoại từ lâu và tôi tin nhiều doanh nghiệp sẽ thành công. Chúng ta đang hội nhập và cách tốt nhất để phát triển là quốc tế hóa doanh nghiệp của mình, bắt đầu từ nhân lực, đến thị trường, thương hiệu"...

Xu thế tất yếu

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế cũng như có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tránh những hàng rào bảo hộ thương mại.

Xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ do đây là một phần tất yếu của quá trình phát triển. Trong bối cảnh đó, các cơ quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản, thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư.

GSNGUYỄN MẠI(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài)

Theo Tuổi trẻ