Hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi tái đàn khi đủ điều kiện

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:09, 09/07/2019

Thảo luận tại tổ chiều 9.7, đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) cho biết dịch tả lợn châu Phi tàn phá ngành chăn nuôi của tỉnh.


Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 9.7

Đại biểu đề nghị tỉnh cần hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi tái đàn khi đủ điều kiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Định (Thanh Hà) cho biết, huyện Thanh Hà đã tiêu hủy trên 2.100 tấn lợn bị bệnh dịch tả châu Phi. Quá trình kiểm kê, hỗ trợ, đa số người dân đều đồng thuận nhưng cũng có nhiều người thắc mắc vì hỗ trợ không đồng đều. Những hộ có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy về sau được hỗ trợ thấp hơn. Cách tính mức hỗ trợ theo đầu lợn tiêu hủy cho lực lượng dập dịch cũng chưa phù hợp. Nhiều con lợn to, khó tiêu hủy, phải thuê máy móc, nhiều người nên chi phí lớn.

Cùng quan điểm với đại biểu Định, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Tiến Tầng đề nghị UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phù hợp vì những hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi thời gian sau thậm chí còn thiệt hại hơn vì phải mất thêm chi phí nuôi, phòng chống dịch. Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đề nghị cần đánh giá rõ hơn nữa về ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đối với sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm. Qua đợt dịch bệnh này, công tác phòng dịch cần phải được đặt lên hàng đầu, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Thời gian qua, khi có dịch bệnh, các địa phương chủ yếu chống dịch, dập dịch.

Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) nêu trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh giảm do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ thực tế đặt câu hỏi tại sao công tác phòng chống dịch khó thực hiện. Đại biểu Hùng đề xuất thời gian tới tỉnh cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung để có thể áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chăn nuôi, tăng sản lượng, chất lượng phục vụ thị trường khó tính.

Để phát triển kinh tế bền vững, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) đề nghị không chỉ trong 6 tháng cuối năm mà trong thời gian tiếp theo tỉnh cần bổ sung giải pháp phát triển nông nghiệp, hỗ trợ tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông trại, gia trại quy mô lớn. Theo đại biểu Toản, tuy tỉnh có các mô hình hỗ trợ ứng dụng công nghệ, giúp nông dân bớt lệ thuộc vào thiên nhiên nhưng cần tiếp tục mở rộng hỗ trợ ứng dụng công nghệ, nhà màng, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp. Một số đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm định hướng, thúc đẩy các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm khác bảo đảm nguồn lương thực, như nuôi cá, gà, bò... để bổ sung do đàn lợn bị dịch bệnh.

NHÓM PV