Truy tố “trùm” đa cấp Thăng Long Group lừa đảo 36.000 người bị hại
Pháp luật - Ngày đăng : 14:13, 10/07/2019
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra cáo trạng số 54/Ctr-VKSTC-V3 và phân công Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group). Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị can bị xác định là đã thực hiện hành vi lừa đảo 36.000 bị hại với tổng số tiền hơn 706 tỷ đồng.
8 bị can trong vụ án này gồm: Lê Văn Quang (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Thăng Long Group), Phạm Ngọc Tuân (sinh năm 1985, nguyên Giám đốc Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long – viết tắt là Công ty nhượng quyền Thăng Long), Vũ Đình Hùng (sinh năm 1983, nguyên Phó Giám đốc Công ty nhượng quyền Thăng Long), Đỗ Văn (tên gọi khác là Michael Do, phụ trách công nghệ thông tin (IT) Công ty nhượng quyền Thăng Long, nguyên Giám đốc IT Thăng Long Group, Huỳnh Trọng Nghĩa (sinh năm 1988, nguyên Giám đốc truyền thông Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 1980, nguyên Giám đốc đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1982, nguyên Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Hoàng Hải Yến (sinh năm 1980, nguyên Giám đốc tài chính Công ty nhượng quyền Thăng Long) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 139, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, nắm bắt được tâm lý mong muốn kiếm tiền nhanh chóng, không cần kinh doanh, chỉ cần nộp tiền và thu lợi nhuận cao, Lê Văn Quang lập ra một hệ thống các công ty gọi là Thăng Long Group và xây dựng các hình ảnh quảng cáo, trong đó Lê Văn Quang được giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Đình Hùng là Tổng Giám đốc, Phạm Ngọc Tuân là Giám đốc kinh doanh, Nguyễn Anh Thái (Nguyễn Hồng Thái) là Giám đốc đào tạo, Đỗ Văn là Giám đốc IT (công nghệ thông tin), Huỳnh Trọng Nghĩa là Giám đốc Smart PR (truyền thông), Nguyễn Thành Nam là Giám đốc Thăng long edu (giáo dục), Hoàng Hải Yến là Giám đốc tài chính, mục đích để tạo ra sự tin tưởng Thăng Long Group là một tập đoàn lớn mạnh. Trong Thăng Long Group, Lê Văn Quang và đồng phạm thành lập ra Công ty nhượng quyền Thăng Long và xin giấy phép kinh doanh đa cấp của Bộ Công thương để tạo vỏ bọc hợp pháp thu hút người bị hại nộp tiền để chiếm đoạt tài sản thông qua các chương trình nộp tiền mua đơn hàng vào công ty để được hưởng tiền thưởng gấp nhiều lần mà không có tính khả thi như: mua đơn hàng trị giá 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng trị giá 46 triệu đồng được nhận 153 triệu đồng (gấp 3,3 lần); mua đơn hàng 230 triệu đồng được nhận 765 triệu đồng (gấp 3,3 lần); tổ chức tuyên dương được nhận hàng tỷ đồng/tháng và lên bục vinh danh trước sự chứng kiến của hàng nghìn người tại Hội nghị chi thưởng thù lao nhằm thúc đẩy tâm lý ham làm giàu của nhà phân phối để nộp tiền kích hoạt mã số... Hàng hóa mà Quang cùng các đồng phạm bán hàng đa cấp là các loại: Sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng Nutrition, thực phẩm chức năng giải rượu, giải độc gan…
Đến nay, kết quả điều tra đã xác định có 36.000 người bị hại tin và nộp tiền cho các bị can. Tổng số tiền các bị can đã thu của người bị hại là hơn 736 tỷ đồng, các bị can đã chi phí thực tế cho hoạt động mua hàng gần 30 tỷ đồng; còn lại là các khoản chi phí bất hợp pháp cho nhà đầu tư để lôi kéo người khác tiếp tục nộp tiền; chi phí hoạt động của các công ty phục vụ cho các hành vi phạm tội của các bị can và các khoản hưởng lợi cá nhân của các bị can… Như vậy, tổng thiệt hại của vụ án là hơn 706 tỷ đồng.
Hiện, đã có 1.540 người bị hại trình báo và yêu cầu các bị can bồi thường số tiền bị chiếm đoạt là hơn 110 tỷ đồng.
Kết quả điều tra đã đủ cơ sở kết luận các bị can nhận thức được mục đích, phương thức hoạt động của Lê Văn Quang và các đồng phạm để thu và chiếm đoạt tiền của người bị hại. Trong đó, cả 8 bị can phải chịu trách nhiệm dân sự về toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 706 tỷ đồng của 36.000 người bị hại. Trong đó, Cơ quan điều tra đã lấy được lời khai của 1.540 người bị hại có yêu cầu bồi thường hơn 110 tỷ đồng. Vì vậy, buộc Lê Văn Quang và đồng phạm phải liên đới bồi thường số tiền hơn 110 tỷ đồng này. Đối với những người bị hại khác, khi có yêu cầu sẽ được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế của Công ty nhượng quyền Thăng Long: Theo kết luận của Giám định viên tư pháp Cục Thuế Hà Nội thì số tiền trốn thuế của Công ty nhượng quyền Thăng Long đối với thuế thu nhập cá nhân của nhà phân phối là hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu nhập này là thu nhập không hợp pháp và hành vi gian dối trong quá trình thực hiện tội phạm lừa đảo nên không truy cứu trách nhiệm hình sự độc lập đối với các bị can về tội trốn thuế.
Đối với những người liên quan được Lê Văn Quang thuê tham gia các hoạt động: Câu lạc bộ triệu phú, kích hoạt mã số của Công ty Thăng Long, kế toán thu chi, thủ quỹ, các Trưởng đại lý của Công ty nhượng quyền Thăng Long, các nhà phân phối có cấp bậc cao như Leader Platinum, Leader Gold, các cán bộ của Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội… kết quả điều tra không đủ căn cứ xác định được những đối tượng nêu trên đồng phạm với các bị can nên cơ quan điều tra không đề nghị xử lý./.
Theo TTXVN