Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở Cẩm Giàng: Nhân dân đồng thuận

Chính trị - Ngày đăng : 08:24, 16/07/2019

Ban đầu nhiều người dân các địa phương phải sáp nhập ở Cẩm Giàng không đồng tình vì nhiều lý do. Nhưng nhờ tích cực tuyên truyền nên đến nay gần 93% cử tri đã đồng thuận.

Các địa phương đều thành lập tổ công tác đến tuyên truyền trực tiếp tại các gia đình

Huyện Cẩm Giàng hiện có 17 xã và 2 thị trấn. Theo lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, huyện có 4đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Cẩm Sơn, Cẩm Định, Kim Giang và thị trấn Cẩm Giàng.

Coi trọng tuyên truyền

2 đơn vị không bảo đảm 2 tiêu chí về dân số và diện tích phải sáp nhập là Cẩm Sơn và thị trấn Cẩm Giàng. Huyện sẽ sáp nhập thị trấn Cẩm Giàng và xã Kim Giang, dự kiến đổi tên mới là thị trấn Cẩm Giang; sáp nhập hai xã Cẩm Sơn và Cẩm Định với tên mới là Định Sơn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Cẩm Giàng đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở những xã sáp nhập. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đoàn Đình Tuyến cho biết trong quá trình triển khai thực hiện đề án, huyện đặc biệt coi trọng tuyên truyền và luôn xác định công tác này phải đi trước một bước. Huyện đã biên soạn đề cương tuyên truyền dưới dạng hỏi - đáp và cung cấp đến tất cả các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ, hội đoàn thể và các đơn vị phải sáp nhập. Phổ biến rộng rãi trên hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện, các địa phương. Trong đó tập trung tuyên truyền một số nội dung như: cơ sở pháp lý, mục đích, lý do của việc sáp nhập; hiện trạng các đơn vị phải sáp nhập; việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng như phương án xử lý và giải quyết chế độ chính sách đối với những trường hợp dôi dư do sắp xếp...

Gần 93% cử tri đồng ý sáp nhập

Thị trấn Cẩm Giàng được biết đến là một thị trấn văn chương với những địa danh đã trở thành “thương hiệu” như: Ga Cẩm Giàng, cầu sắt Cẩm Giàng hay khu Tự Lực Văn Đoàn… Thế nên ngay khi có phương án sáp nhập thị trấn với xã khác và không còn tên thị trấn Cẩm Giàng, nhiều người tỏ ra băn khoăn, tiếc nuối và không nhất trí. Một phần vì không muốn mất đi tên thị trấn Cẩm Giàng, một phần vì lo sau này sẽ phải làm lại hết giấy tờ... Tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tích cực tuyên truyền, giải thích nhằm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân nên đến nay hầu hết người dân thị trấn đã nhất trí với phương án sáp nhập.

Ông Vũ Diệp, người dân khu 1, thị trấn Cẩm Giàng chia sẻ, trước đây thị trấn Cẩm Giàng vốn là đất của Kim Giang nên nay sáp nhập cũng là hợp lý. Việc sáp nhập sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, ngoài việc tinh giản bộ máy thì việc đầu tư phát triển sẽ tập trung hơn, thị trấn sẽ được mở rộng, đông dân hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển mới.

Cũng giống như thị trấn Cẩm Giàng, Cẩm Sơn cũng là một xã đặc thù. Cẩm Sơn chỉ rộng 1,65 km2, dân số 2.678 người. Trước đây, xã này nằm ở ngoài đê sông Thái Bình, những năm 70 Cẩm Sơn được di dời về vị trí ngày nay. Xã có ngôi chùa Giám, là 1 trong 3 di tích thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017. Khi có phương án sáp nhập, trong các cuộc tiếp xúc cử tri đã có nhiều ý kiến đề nghị các cấp quan tâm xem xét không sáp nhập Cẩm Sơn với xã khác. Nắm rõ tâm tư của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp, các ngành từ huyện đến xã đã tích cực vào cuộc kiên trì tuyên truyền, vận động. Đến nay đại bộ phận người dân địa phương đã đồng tình ủng hộ việc sáp nhập. Qua việc lấy ý kiến của cử tri đã có 75,58% số cử tri đồng ý sáp nhập.

Ông Phạm Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết tỷ lệ 75,58% tuy không cao nhưng như thế đã là thành công, vì qua nắm bắt tình hình thì dự kiến chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Có được kết quả đó là do Đảng ủy đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền; xã đã thành lập 6tổ công tác đến vận động trực tiếp tại các gia đình.

Tính đến ngày 11.7, huyện Cẩm Giàng đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri tại các đơn vị phải sáp nhập, kết quả tỷ lệ cử tri đồng ý sáp nhập trung bình đạt 92,83%. Trong đó xã Cẩm Sơn đạt 75,58%, xã Kim Giang 98%, thị trấn Cẩm Giàng 98,23% và xã Cẩm Định đạt 99,51%. Các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sáp nhập.

TUẤN SỸ