Ngày quốc tế Nelson Mandela: Vì một thế giới không phân biệt chủng tộc

Thế giới - Ngày đăng : 08:45, 18/07/2019

Đối với người dân Nam Phi, hình ảnh của cố Tổng thống Nelson Mandela chính là biểu tượng cao nhất về lòng yêu thương con người và tinh thần tự do, hòa giải dân tộc.

Nelson Mandela đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho nhân dân Nam Phi vì quyền bình đẳng của con người

Với sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột giữa cộng đồng người da màu chiếm đa số và nhóm người da trắng thiểu số cầm quyền.

Nhằm tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của ông, năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức lấy ngày 18-7 hàng năm (là ngày sinh của ông)  làm Ngày Quốc tế Nelson Mandela nhằm tập hợp tình đoàn kết của cộng đồng trong việc xây dựng và gìn giữ hòa bình, ổn định và công bằng xã hội trên toàn thế giới.


Người anh hùng huyền thoại của Nam Phi

Đất nước Nam Phi ngày nay là một đất nước đa chủng tộc, nơi mà các quyền con người được pháp luật bảo vệ. Có được điều này chính là nhờ những đóng góp lớn lao của Nelson Mandela- người anh hùng huyền thoại của đất nước Nam Phi.

Sinh thời, cố Tổng thống Nelson Mandela đã gọi Nam Phi, quê hương của ông, là “Quốc gia cầu vồng”, với mong ước về một đất nước, và rộng hơn là một thế giới, nơi sự đa dạng văn hóa và đa dạng chủng tộc là một nét đẹp được tôn trọng, chứ không phải bị biến thành "mồi lửa" cho những mâu thuẫn và xung đột. Suối đời, nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Nam Phi đã đấu tranh để biến mong ước cao cả ấy thành hiện thực, với câu nói bất hủ: "Đấu tranh là cuộc sống của tôi". Thế giới tôn vinh ông, bởi chính con đường đấu tranh mà nhà lãnh đạo Nelson Mandela trải qua để thực hiện giấc mơ vĩ đại ấy của mình cũng sống động và đầy tính nhân văn như khát vọng của ông. Ông là đại diện cho công lý, tự do và tôn trọng quyền con người.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Nelson Mandela đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho nhân dân Nam Phi vì quyền bình đẳng của con người. Ông sinh ngày 18.7.1918 trong một gia đình tù trưởng thuộc bộ tộc Thembu, bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị từ khi học đại học và gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) từ năm 1942, trở thành thành viên sáng lập của Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC.

Từ thành lập một hãng luật để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, khi trở thành lãnh đạo ANC, Nelson Mandela đã đưa chính đảng này giữ vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khổ của nhân dân Nam Phi vì quyền bình đẳng của con người.

Cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc mà nhà hoạt động chính trị kiệt xuất Nelson Mandela theo đuổi gắn với những năm tháng bị chính quyền Apartheid truy đuổi và cầm tù. Năm 1964, ông bị chính quyền kết án tù chung thân và bị giam giữ suốt 27 năm qua nhiều nhà tù. Suốt thời gian ấy, kiên định với mục tiêu vì quyền con người, nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền, Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng, thành nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Năm 1990, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, nhà cầm quyền Nam Phi đã phải trả tự do cho ông. Với cương vị Chủ tịch ANC, Nelson lại tiếp tục dẫn dắt nhân dân Nam Phi thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chế độ Apartheid đã bị xóa bỏ ở Nam Phi năm 1993, đánh dấu "sự cáo chung" của chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc bậc nhất trong lịch sử.

Sau đó, với cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, "người tù chính trị" nổi tiếng nhất thế kỷ XX, đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi. Chiến thắng này là kết tinh của hơn 4 thập niên đấu tranh của những người da màu dưới sự lãnh đạo của đảng ANC.

Và dưới sự lãnh đạo đất nước của Tổng thống Nelson Mandela, chỉ trong vòng một thập niên sau đó, đất nước Nam Phi đã nhanh chóng vươn lên, trở thành nền kinh tế phát triển nhất châu Phi và gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Nam Phi đã từng bước phá bỏ những tàn tích của nạn phân biệt chủng tộc, được công nhận là đất nước dân chủ, tiến bộ bậc nhất "Lục địa Đen".

Nelson Mandela qua đời vào ngày 5.12.2013. Khi ông qua đời, cộng đồng quốc tế nghiêng mình thương tiếc ông, người luôn tự cho mình là một người bình thường nhưng trên thực tế lại là người hết sức phi thường. Đó chính là những lý do khiến ông được hàng triệu người, không chỉ ở quê hương Nam Phi mà còn ở khắp nơi trên thế giới, yêu mến và kính trọng.

Vì một thế giới không phân biệt chủng tộc


Những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo Nelson Mandela trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, chống đói nghèo, bất bình đẳng đã được đất nước Nam Phi cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới vinh danh bằng rất nhiều giải thưởng. Trong cuộc đời mình, ông đã được trao hơn 250 giải thưởng cao quý, trong đó tiêu biểu là Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1993, giải thưởng Lenin của Liên Xô, và giải thưởng Tự do của Mỹ…

Đặc biệt, tháng 11.2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18.7 là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”. Với việc tổ chức Ngày Quốc tế Nelson Mandela 18.7 hằng năm, Liên hợp quốc mong muốn kêu gọi, truyền cảm hứng cho cộng đồng, các tổ chức, cá nhân hãy quan tâm và hỗ trợ cải thiện điều kiện sống cộng đồng, chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh thiệt thòi, kém may mắn, giúp họ hội nhập với xã hội.

Và cứ vào ngày 18.7 hằng năm, nhiều hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau trên thế giới, hướng tới một mục tiêu thúc giục nhân loại tích cực tham gia vào việc xây dựng hòa bình, ổn định và công bằng xã hội trên toàn thế giới.

Từ năm 2013, vào mỗi Ngày Quốc tế Nelson Mandela, tại Liên hơp quốc sẽ có một bài thuyết trình về các vấn đề liên quan đến tự do, hòa bình, hòa giải dân tộc của đại diện các quan chức cấp cao. Đây là một trong những chương trình hàng đầu nhằm tôn vinh Nelson Mandela. Và các nhà lãnh đạo toàn cầu sử dụng bài thuyết trình thường niên này để nâng cao nhận thức về các vấn đề thời sự ảnh hưởng đến Nam Phi, châu Phi cũng như các nơi khác trên toàn thế giới.

Năm 2017, Ngày Quốc tế Nelson Mandela có thông điệp “Hãy hành động để xóa đói nghèo-chấm dứt nạn đói”. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, trong bối cảnh trên thế giới đang diễn ra các cuộc xung đột bạo lực khốc liệt, tinh thần Nelson Mandela với những phẩm chất của một vĩ nhân về sự thấu hiểu, lòng bao dung và sự tôn trọng đối với người dân vẫn đang cháy sáng và tiếp tục truyền cảm hứng cho các dân tộc.

Năm 2018, Ngày Quốc tế Nelson Mandela cũng là dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của Nelson Mandela. Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp nối cảm hứng từ cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngày nay, tuy chủ nghĩa Apartheid đã bị xóa bỏ hoàn toàn tại Nam Phi song sự phân biệt, mâu thuẫn sắc tộc, bất bình đẳng vẫn đang là những vấn đề nhức nhối hàng ngày trong xã hội hiện đại, giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia. Trong bối cảnh trên thế giới đang diễn ra các cuộc xung đột bạo lực khốc liệt, cùng với đó là sự thù ghét đang ngày một tăng đối với những người nhập cư cũng như các sắc tộc thiểu số, tinh thần Nelson Mandela với những phẩm chất của một vĩ nhân về sự thấu hiểu, lòng bao dung và sự tôn trọng đối với người dân vẫn đang cháy sáng và tiếp tục truyền cảm hứng cho các dân tộc.

Theo TTXVN