Bệnh viện K cần lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu
Xã hội - Ngày đăng : 14:30, 18/07/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Bệnh viện K Trung ương
Sáng 18.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện K (1969-2019)- cơ sở y tế đầu ngành về điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba tặng Bệnh viện K. Bệnh viện K được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương, ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pièrre Moullin, người Pháp phụ trách với mục đích là chữa bệnh ung thư cho người dân Đông Dương và người Pháp.
Viện đã áp dụng thành quả các công trình nghiên cứu của nhà khoa học Marie Curie, các kim và type radium dùng tại Viện lúc đó được đích thân nhà khoa học Marie Curie kiểm tra, xác nhận tại Viện Curie Pháp rồi mới chuyển về Việt Nam để điều trị cho người bệnh.
Từ ngày 6.7.1926, Viện Curie Đông Dương được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, là trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư duy nhất tại khu vực Đông Dương thời đó. Năm 1959, Viện Radium được sáp nhập vào Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức) và trở thành Khoa Ung thư của Bệnh viện trong những năm 1959-1969.
Năm 1969, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Bệnh viện K, mở ra trang phát triển mới đối với ngành ung thư Việt Nam. Đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế của bệnh viện phát triển cả về số lượng và chất lượng, giỏi về chuyên môn và trách nhiệm với nghề nghiệp.
Từ lúc chỉ có 68 cán bộ, nhân viên khi thành lập, đến nay Bệnh viện đã có hơn 1.500 cán bộ, nhân viên. Đội ngũ chuyên gia hùng hậu với 15 giáo sư và phó giáo sư, 65 tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II; 206 thạc sỹ…; có đầy đủ chuyên gia các chuyên khoa sâu trong các lĩnh vực điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...
Bệnh viện đã chủ trì, tham gia, hợp tác nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị cao, đóng góp vào hoàn thiện các phương pháp điều trị ung thư trên thế giới; có nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học Y Dược uy tín trong nước và quốc tế.
Đồng thời, bệnh viện là cơ sở thực hành của các trường y dược, tham gia biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa, giảng dạy cho hàng chục ngàn bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đại học và sau đại học.
Bệnh viện đã chủ động và có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả, tiếp cận với trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tiên tiến của thế giới. Nhiều giáo sư, tiến sỹ của Bệnh viện đã vinh dự được nhiều viện, trường đại học uy tín của Pháp, Hàn Quốc… mời giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu.
Từ một cơ sở với 120 giường bệnh, đến nay Bệnh viện đã có 3 cơ sở khang trang với 2.400 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, như hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ thế hệ mới nhất, hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng, hệ thống xạ phẫu hiện đại nhất hiện nay, hệ thống phẫu thuật robot điều khiển từ xa, hệ thống trung tâm pha chế thuốc tập trung…
Tỷ lệ điều trị khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới (tỷ lệ điều trị thành công ung thư vú đạt 75%, ngang với Singapore).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết Bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật điều trị tiên tiến, công nghệ cao, nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài cuộc sống cho nhiều bệnh nhân.
Nhắc đến trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Liên bị ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn quyết tâm sinh con và đã sinh con thành công, Thủ tướng cho rằng, đây là một điển hình về thành công của điều trị ung thư, là "câu chuyện cổ tích đời thường" tại Bệnh viện K.
Thủ tướng đánh giá, không chỉ nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị ung thư, Bệnh viện còn chủ động tham mưu, xây dựng, hoàn thiện nhiều bệnh viện, khoa ung bướu ở các tỉnh, thành phố, hình thành mạng lưới phòng, chống ung thư quốc gia.
Bệnh viện đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giúp các bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.
Thủ tướng nhìn nhận, những kết quả, thành tích to lớn này không những góp phần nâng cao uy tín của Bệnh viện, mà còn tác động tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cả nước, với người dân, với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.
Cho biết tỷ lệ mắc bệnh ung thư trên thế giới có xu hướng tăng nhanh; ở Việt Nam mỗi năm 165.000 ca mắc mới và hiện có 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng này đặt ra cho ngành Y tế nói chung, ngành ung thư nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho Bệnh viện K cần tiếp tục vai trò tiên phong sớm trở thành một Trung tâm ung bướu hàng đầu trong khu vực, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh, mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.
Định hướng hoạt động của Bệnh viện, Thủ tướng đề nghị Bệnh viện thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu; phát huy hiệu quả Trung tâm phẫu thuật Rô bốt, Trung tâm pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị Proton, I-on nặng...
Bệnh viện K đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc và nghiên cứu điều trị ung thư, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ với các viện của Pháp.
Thủ tướng yêu cầu, cùng với việc không ngừng nâng cao y đức, tập thể y, bác sỹ Bệnh viện K cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cả về quy mô, chất lượng chuyên môn, nắm bắt những kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới để ứng dụng trong phòng chống ung thư tại Việt Nam.
Mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế của Bệnh viện K còn phải là chỗ dựa, động viên, an ủi, chia sẻ, đồng hành cùng người bệnh theo đúng tinh thần “Trao hy vọng nhận niềm tin."
Cùng với đó, Bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sàng lọc, phát hiện sớm ung thư để người dân hiểu rõ rằng “Ung thư biết sớm trị lành.”
Đối với Đề án tự chủ của Bệnh viện, Thủ tướng đề nghị sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bệnh viện cần làm tốt việc huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển cơ sở vật chất hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu, góp phần quan trọng giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh.
Thực tế hiện nay, mỗi năm người Việt Nam chi hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư.
Thủ tướng chỉ đạo, cần bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cần quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội, vận động các nguồn lực để hỗ trợ bệnh nhân, bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau.”
Nhắc đến tình trạng quá tải tại Bệnh viện K, dù đã có nhiều cơ sở mới, Thủ tướng cho rằng, điều này cho thấy nhu cầu lớn của người dân trong khám chữa bệnh, điều trị ung thư. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, nhưng đồng thời cũng cần xã hội hóa mạnh mẽ trong các khâu điều trị, khám chữa bệnh ung thư ở các địa phương.
Theo TTXVN