Tai biến sản khoa có thể phòng ngừa
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:10, 18/07/2019
Khám thai định kỳ giúp phòng ngừa tai biến sản khoa. Trong ảnh: Khám thai tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Tai biến sản khoa (TBSK) không chỉ là nỗi ám ảnh với sản phụ, người thân mà còn cả các y, bác sĩ. Những năm qua, Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho các thai phụ, giảm TBSK, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 28.689 phụ nữ có thai. Số phụ nữ có thai được khám 3 lần trở lên đạt 95%. Tỷ suất các tai biến về sản khoa là 2,8%o.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Băng huyết, sản giật, nhiễm trùng, vỡ tử cung, uốn ván sơ sinh và tai biến do phá thai - thủ thuật là những TBSK xảy ra phổ biến hiện nay. Trong đó băng huyết, nhất là băng huyết sau sinh được xếp vào một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ". Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do sinh nhiều lần, thai lớn hay đa thai, ối nhiều, quá trình chuyển dạ kéo dài, đờ tử cung, tử cung có sẹo mổ, nhân xơ, rau tiền đạo... Nguy cơ tai biến sản khoa thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai có độ tuổi từ 40 trở lên, phụ nữ sinh con thứ ba trở lên, không được khám sức khỏe toàn diện, ít đi khám thai, thiếu thông tin và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản...
TBSK có thể phòng ngừa nếu làm tốt công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở theo đúng hướng dẫn. Phụ nữ cần chuẩn bị tốt về sức khỏe, thể chất, tâm lý và có kế hoạch chăm sóc bản thân khoa học cho việc mang thai, từ đó giúp sinh con khỏe mạnh, thông minh, an toàn. Để đề phòng TBSK, thai phụ cần phải khám định kỳ, siêu âm, làm các xét nghiệm để phát hiện thai có nguy cơ cao khi mẹ bị bệnh tim, gan, thận, thiếu máu, phù, nước tiểu có protein, tăng huyết áp, tiểu đường, nhiễm khuẩn đường sinh dục, khung chậu bất thường, có sẹo mổ cũ ở tử cung, thai quá lớn... để được chăm sóc tích cực và chọn nơi sinh an toàn.
Thực tế hiện nay vẫn còn không ít trường hợp thai phụ có quan niệm chỉ cần siêu âm là đủ, không quan tâm đi khám thai và làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng khác. Chị Phạm Lan Hương ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết qua 6 tháng mang thai đã siêu âm 4 lần tại các dịch vụ y tế tư nhân để biết trai hay gái nhưng chỉ khi thấy chân có dấu hiệu phù nề chị mới đi khám thai và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Thiện, nhiều sản phụ cũng quan niệm sai lầm như chị Lan Hương. Nhiều khi sự chủ quan của thai phụ có thể bỏ sót các nguy cơ dẫn đến TBSK, thậm chí sự sống còn của cả mẹ và con. Việc phòng ngừa TBSK, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, cần sự chủ động của các sản phụ và cả gia đình trong chăm sóc sức khỏe thai sản. TBSK là biến chứng khó lường nên thai phụ cần tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, chủ động chăm sóc sớm, toàn diện, liên tục cả về sức khỏe, thể chất, tinh thần một cách khoa học. Phụ nữ cần đăng ký quản lý thai kỳ từ sớm, kiểm tra sức khỏe tổng thể, khám thai định kỳ, siêu âm, làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, đo huyết áp, khám sản khoa... theo 9 bước khám thai trong “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Khi bỏ qua các bước này cũng đồng nghĩa với việc bỏ sót các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của mẹ và bé.
PHƯƠNG ANH