Bí quyết điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 'ăn chắc' đỗ

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:32, 19/07/2019

Cán bộ phụ trách tuyển sinh của các trường đại học chia sẻ với thí sinh bí quyết để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển phù hợp.

Thi sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 22 - 29.7, các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm sẽ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển một lần duy nhất theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường.

Làm thế nào để có sự điều chỉnh hợp lý nhất, cơ hội đỗ cao nhất là câu hỏi của rất nhiều thí sinh, phụ huynh thời điểm này.

Xác định ngành muốn học, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự giảm dần mức độ yêu thích và mức độ điểm chuẩn hàng năm: cao hơn điểm thi, tương đương điểm thi – mức trung bình, thấp hơn điểm thi – mức an toàn. Đó là bí quyết được các cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh dày dạn kinh nghiệm của các trường đại học chia sẻ với các sỹ tử khi thời điểm được điều chỉnh nguyện vọng đã cận kề.

Bước 1: Xác định ngành học, trường phù hợp

Theo ông Phạm Thái Sơn, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trước hết, thí sinh phải chọn ngành phù hợp với bản thân.

Về cơ bản, thí sinh đều đã xác định được ngành học hoặc trường học yêu thích từ khi làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nếu vẫn chưa xác định được ngành học phù hợp thì đợt thay đổi nguyện vọng tới đây là cơ hội cuối cùng của thí sinh trong mùa xét tuyển đại học năm nay.

Để xác định được ngành học phù hợp với bản thân, thí sinh có thể tham khảo các thông tin đã được rất nhiều chuyên gia chia sẻ trên nhiều kênh thông tin khác nhau như báo chí, internet…

Tiếp đó, thí sinh tìm hiểu thông tin các trường có đào tạo ngành học đó, như đặc thù đào tạo (có trường thiên về nghiên cứu, trường thiên về thực hành…), học phí, khoảng cách địa lý, môi trường đào tạo, điểm chuẩn hàng năm… Từ đó, chọn ra các trường phù hợp.

Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+

Bước 2: Đoán điểm chuẩn các trường

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, quan trọng nhất trong việc chọn trường để sắp xếp nguyện vọng xét tuyển là ước lượng điểm chuẩn. Thí sinh tham khảo điểm trúng tuyển của trường đó, ngành đó, không chỉ trong năm 2018 mà cả 2017, 2016, xem thường điểm chuẩn giao động ở mốc điểm nào. Bên cạnh đó, phải tham khảo phân tích phổ điểm của các chuyên gia để biết mức độ tăng, giảm điểm chuẩn theo từng năm.

Với phổ điểm năm 2019, theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm thi năm nay có sự biến động ở nhóm điểm cao. Cụ thể, dù không có nhiều điểm 10 như năm 2017 nhưng số lượng thí sinh đạt điểm 8, 9 nhiều hơn năm 2018. Ví dụ ở môn toán, số điểm 8 cao gấp 3 lần năm 2018. Theo đó, ở phân khúc các trường tốp đầu, điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng khoảng 2 điểm so với năm 2018.

Tuy nhiên, ở phân khúc trường nhóm dưới, do phổ điểm tương đương nên mức điểm chuẩn dự kiến ở nhóm này sẽ chỉ tương đương với 2018.

Đây cũng là phân tích của ông Phạm Thái Sơn, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Theo dự kiến của ông Sơn, điểm chuẩn trường tốp đầu sẽ tăng khoảng 2 điểm hoặc trên 2 điểm. Những trường năm trước lấy điểm chuẩn trong khoảng 20-21 điểm năm nay sẽ tăng khoảng một điểm hoặc hơn một điểm. Trường trong nhóm điểm chuẩn năm trước từ 15 đến 19 điểm sẽ ổn định như 2018.

Theo phó giáo sư Lê Thị Thu Thủy, để ước lượng điểm chuẩn các trường năm nay, với các trường tốp trên, thí sinh có thể so sánh với điểm chuẩn năm 2017 hoặc cân đối ở khoảng giữa điểm chuẩn của năm 2017 và năm 2018. Với các trường nhóm giữa và nhóm dưới có thể so sánh với điểm chuẩn 2018.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2019. Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+

Bước 3: Sắp xếp nguyện vọng

Sau khi xác định được ngành học phù hợp, chọn được các trường có đào tạo ngành học đó và dự đoán điểm chuẩn từng trường, thí sinh cần sắp xếp các ngành, trường theo thứ tự nguyện vọng phù hợp.

Theo Trưởng Phòng Tuyển sinh của Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Thái Sơn, căn cứ vào điểm thi của mình, thí sinh chia các trường đã chọn thành ba nhóm: trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi, trường có điểm chuẩn dự kiến ngang bằng với điểm thi, trường có điểm chuẩn dự kiến thấp hơn một chút so với điểm thi.

Việc sắp xếp các thứ tự nguyện vọng thực hiện theo nguyên tắc: trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi xếp ở nguyện vọng trên, trường điểm thấp hơn để xuống dưới.

Ví dụ, nếu thi đạt 21 điểm thì nên chọn trường hàng năm có ngưỡng điểm chuẩn khoảng 22-23 điểm ở nguyện vọng một, tiếp đó là trường có ngưỡng điểm chuẩn mức 21 điểm, sau đó đến các trường điểm chuẩn thấp hơn, khoảng 18-20 điểm.

“Thí sinh nên có mơ ước tới trường có điểm chuẩn cao hơn một chút so với điểm thi và để ở nguyên vọng một. Nếu may mắn đỗ trường tốp trên thì tốt, trường hợp không đỗ, phần mềm tuyển sinh sẽ tự động xét xuống các trường nguyện vọng dưới. Tuy nhiên, cũng đừng mơ ước cao quá, ví dụ điểm thi chỉ 20-21 điểm thì đừng đăng ký vào trường điểm chuẩn 25-26 điểm, vì hầu như không có cơ hội,” ông Sơn chia sẻ.

Sắp xếp nguyện vọng theo ba mức cao, ngang bằng, thấp hơn-hay còn gọi là mức an toàn, so với điểm thi cũng là lời khuyên của Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Lê Thị Thuy Thủy, người đã có kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác tuyển sinh đại học.

“Tôi cũng muốn nhấn mạnh với thí sinh và phụ huynh là theo quy chế tuyển sinh đại học, các nguyện vọng cạnh tranh bình đẳng theo điểm thi, không yêu cầu nguyện vọng sau phải cao điểm hơn nguyện vọng trước hay được ưu tiên hơn,” phó giáo sư Lê Thị Thu Thủy nói.

Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội tư vấn chọn ngành cho thí sinh. Ảnh: PM/Vietnam+

Bước 4: Bao nhiêu nguyện vọng là vừa?

Nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là băn khoăn của rất nhiều thí sinh. Trưởng Phòng Tuyển sinh của Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Thái Sơn khuyên thí sinh nên đăng ký khoảng 4, 5 nguyện vọng. “Nếu thí sinh nào đăng ký ít nguyện vọng quá, mới có một, hai nguyện vọng, thì nên đăng ký bổ sung để tăng cơ hội trúng tuyển,” ông Sơn nói.

Còn theo tiến sỹ Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng Phòng Đạo tạo, Đại học Thủy lợi, thí sinh nên đăng ký ký tối thiểu 6 nguyện vọng.

“Ví dụ: Em thích ngành A, hãy đăng ký/điều chỉnh để có ba cụm trường cho ngành A: chọn ngành A của 2 trường nhóm đầu; chọn ngành A của 2 trường nhóm giữa; chọn ngành A của 2 trường nhóm dưới. Chỉ cần như vậy, chắc chắn các em sẽ đỗ ngành các em yêu thích và phù hợp với năng lực của mình,” Phó Trưởng Phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi bật mí.

Cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển:

1.     Chọn ngành học phù hợp. Chọn trường có đào tạo ngành học đó.

2.     Tìm hiểu thông tin điểm chuẩn của ngành đã chọn ở các trường trên, dự đoán mức điểm chuẩn năm 2019. Phân thành ba nhóm trường: có điểm chuẩn cao hơn điểm thi, điểm chuẩn ngang bằng điểm thi, điểm chuẩn thấp hơn điểm thi.

3.     Chọn 6 trong số các trường trên: 2 trường nhóm điểm chuẩn cao hơn điểm thi, 2 trường nhóm điểm ngang bằng điểm thi, 2 trường có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi. Sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự điểm chuẩn và sự yêu thích giảm dần.


PHẠM MAI (Vietnam+)