Kết quả thi THPT quốc gia năm 2019: Phân loại trình độ thí sinh khá rõ nét
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:05, 19/07/2019
Số lượng thí sinh trượt tốt nghiệp năm nay không nhiều như dự đoán ban đầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Không gây sốc
Trước khi có kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều giáo viên, phụ huynh và thí sinh rất lo lắng, nhất là những thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục, học sinh có học lực trung bình trở xuống. Những thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT quan tâm nhất là có đủ điều kiện tốt nghiệp hay không. Tâm trạng này cũng dễ hiểu vì năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) điều chỉnh cách tính xét tốt nghiệp. Theo quy định, điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ còn chiếm 30% và điểm thi THPT quốc gia chiếm 70%. Trước đây, tỷ lệ điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia cùng chiếm 50%. Trước thay đổi này, nhiều lãnh đạo, giáo viên đoán rằng tỷ lệ thí sinh trượt tốt nghiệp sẽ tăng cao.
Theo thống kê của Sở GDĐT, toàn tỉnh có số lượng bài thi đạt từ 5 điểm trở lên chiếm 64,1%. Có 86 bài thi bị điểm liệt, giảm 31 bài so với năm trước. Điểm trung bình các môn thi của tỉnh là 5,57, cao hơn 0,4 điểm so với năm ngoái. 7 trong tổng số 9 môn thi có điểm bình quân cao hơn của toàn quốc, chỉ có môn tiếng Anh và sinh học là thấp hơn. 18.175 trong tổng số 18.860 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp đủ điều kiện tốt nghiệp THPT năm 2019, đạt 96,37%, giảm 2,52% so với năm trước. 685 em trượt tốt nghiệp, tập trung ở hệ giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục. Tỷ lệ trượt tốt nghiệp này không gây sốc như một số dự đoán ban đầu.
Từ những khó khăn của kỳ thi năm nay, có thể thấy kết quả tốt nghiệp THPT trên là điều đáng mừng. Kết quả này thể hiện sự chủ động, quan tâm dạy và học của các nhà trường cũng như thí sinh. Trong năm học, các cơ sở giáo dục đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thay đổi cách tính điểm sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp đã sớm tuyên truyền, quán triệt tới toàn bộ học sinh, giáo viên, phụ huynh. Các nhà trường cũng thực hiện chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học, ôn luyện phù hợp với từng đối tượng học sinh. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học trên lớp được tăng cường. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc, nền nếp, coi việc nâng cao chất lượng dạy học là giải pháp quan trọng nhất để bù vào tỷ lệ điểm bình quân năm lớp 12 bị giảm do cách tính xét tốt nghiệp mới.
Phổ điểm phần lớn các môn có sự thay đổi nhiều so với năm 2018. Hệ số điểm của các môn hầu hết được phân khá đồng đều chứ không còn tập trung vào từng nhóm như trước. Phổ điểm như vậy thể hiện sự phân khúc trình độ của thí sinh khá rõ nét giữa các đối tượng có học lực ở mức độ dưới trung bình, trung bình, khá và giỏi. Đồng thời, nói lên đề thi có tính phân loại khá tốt giữa thí sinh chỉ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp với các em xét tuyển đại học. Qua đây cũng nói lên chất lượng dạy học, ôn luyện của các cơ sở giáo dục được nâng cao, phù hợp với thực tế.
Phổ điểm của nhiều môn thi năm nay thể hiện rõ nét sự phân hóa đối tượng thí sinh
Điểm ngoại ngữ, lịch sử vẫn đáng lo
Phổ điểm môn lịch sử và ngoại ngữ cơ bản vẫn như năm trước. Ở môn lịch sử, đỉnh của phổ điểm ở mức 3,75 - 4 (tức là nhiều thí sinh có bài thi ở mức này nhất), ngoại ngữ có đỉnh từ 2,8 - 3,6. Điểm bình quân của 2 môn này tuy có nhỉnh hơn năm ngoái nhưng không đáng kể. Ở môn lịch sử, điểm bình quân là 4,37 và 67,93% số bài thi có điểm dưới trung bình. Còn ở môn ngoại ngữ, điểm bình quân chỉ đạt 4,24, thấp hơn 0,12 điểm so với toàn quốc và 71,82% số bài thi có điểm dưới 5. Kết quả điểm thi môn lịch sử, ngoại ngữ phản ánh sát thực tế chất lượng dạy và học nhiều năm nay. Thời gian qua, môn lịch sử trở thành nỗi ám ảnh của học sinh. Phương pháp dạy học chậm đổi mới, nặng về kiến thức, sự kiện, khô cứng, thiếu hấp dẫn nên chưa tạo hứng thú học tập cho học sinh. Môn ngoại ngữ mặc dù đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học nhưng chuyển biến chưa rõ nét. Sự chênh lệch về trình độ của thí sinh ở nông thôn và thành thị còn lớn.
3 môn có điểm bình quân dưới 5 là sinh học (4,58 điểm), lịch sử (4,37 điểm), ngoại ngữ (4,24 điểm). Điểm bình quân các môn còn lại là hóa học 5,5, vật lý 5,85, toán 5,88, ngữ văn 5,9, địa lý 6,21, giáo dục công dân 7,58. Môn có số lượng bài thi đạt từ 5 điểm trở lên cao nhất là giáo dục công dân chiếm 98,21%, tiếp đến là địa lý 86,98%, ngữ văn 81,1%, vật lý 72,91%, toán 71,36%, hóa học 65,55%, sinh học 36,78%, lịch sử 32,07% và ngoại ngữ 28,18%.
DANH TRUNG