Khát vọng hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam
Tin tức - Ngày đăng : 07:23, 20/07/2019
Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cách mạng cũng như lịch sử ngoại giao Việt Nam, đồng thời thể hiện khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn với độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Thắng lợi của lòng yêu nước, khát vọng tự do và yêu chuộng hòa bình
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tình thế thù trong, giặc ngoài, bằng những nỗ lực ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cố gắng bảo vệ nền độc lập non trẻ, mong muốn giữ được nền hòa bình cho đất nước.
Nhưng với dã tâm quyết cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.”
Chiến thắng của quân và dân ta trên khắp các chiến trường mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã tạo nên tiếng vang lớn, không chỉ thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Pháp lên đến cao trào, mà còn làm tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối quyết tâm giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Cũng chính chiến thắng này đã tác động, tạo điều kiện quan trọng dẫn đến Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hội nghị Geneva được khai mạc vào ngày 8.5.1954, chỉ một ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng. Đại diện Chính phủ Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã đến dự hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng.
Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Geneva về Đông Dương ngày 8.5.1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bản đề nghị 8 điểm nổi tiếng của đồng chí Phạm Văn Đồng đã được đưa ra làm cơ sở thảo luận tại Hội nghị. Lập trường cơ bản của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia.
Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Những đề nghị hợp tình, hợp lý của Đoàn đại biểu Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Sau một quá trình đàm phán gay go, quyết liệt kéo dài 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, cuối cùng, ngày 20.7.1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương cũng được ký kết.
Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Việc ký kết Hiệp định Hội nghị Geneva là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia Hội nghị Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ...,” “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi tại Hội nghị Hội nghị Geneva là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí độc lập, khát vọng tự do và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây cũng là thắng lợi của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ với những hy sinh to lớn của nhân dân ta.
Ngày 20.7.1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. Nguồn: Tư liệu TTXVN
Hội nghị Geneva 1954 cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình. Trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến rất phức tạp, các nước lớn tham gia Hội nghị đều theo đuổi những mục tiêu và lợi ích khác nhau, Việt Nam đã giành được thắng lợi, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva còn có ý nghĩa quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc. Trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ, việc một quốc gia nhỏ bé tự giải phóng mình khỏi chế độ thực dân, đấu tranh giành được các quyền dân tộc cơ bản trên bàn hội nghị quốc tế với các cường quốc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức khác trên toàn thế giới.
Đạt mục tiêu về hòa bình và còn hơn thế nữa
Sau Hiệp định Geneva, dân tộc Việt Nam tiếp tục khẳng định khát vọng về một nền hòa bình gắn với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thông qua những nỗ lực không ngừng nghỉ để đấu tranh giành độc lập dân tộc, rồi tiếp đến là xây dựng, củng cố và phát triển đất nước.
Đáp lại những nỗ lực đó, Việt Nam đã không chỉ đạt được mục tiêu hòa bình mà đã từng bước khôi phục, trở thành nước đang phát triển. Từ chỗ thiếu ăn, đến nay, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm đủ lương thực và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực cải thiện đời sống cho nông dân. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng lớn, nông nghiệp phát triển.
Ngoài phát triển kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội, nhất là giáo dục, chăm lo sức khỏe cho con người được chú ý và có sự tiến bộ vượt bậc. Trình độ văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao; các nhu cầu vui chơi giải trí ngày càng được đáp ứng tốt hơn.
Được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã trở thành tấm gương mà nhiều quốc gia trên thế giới đến học tập kinh nghiệm.
Đại diện các nước tới chúc mừng, chia vui cùng đoàn Việt Nam hính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: TTXVN
Vị thế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, đặc biệt là trong những năm gần đây. Việt Nam đã trở thành một điểm đến thân thiện, an toàn, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn và nghỉ dưỡng đồng thời cũng trở thành một địa điểm uy tín, tin cậy để tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, như Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương-APPF 26 (tháng 1.2018); Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 - GMS 6 và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10-CLV 10 (tháng 3.2018); Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN-WEF ASEAN 2018 (tháng 9.2018); Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14-ASOSAI 14 (tháng 9.2018) và gần đây nhất là tổ chức thành công Hội nghị trượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai (tháng 2.2019).
Riêng về công tác đối ngoại, đến nay, chúng ta mạnh mẽ khẳng định chủ trương Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu và bắt đầu đi vào hội nhập toàn diện.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có 27 đối tác chiến lược và 59 đối tác FTA; là thành viên của hầu khắp các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng.
Sự đóng góp của Việt Nam với quốc tế ngày càng tích cực, rộng khắp và hiệu quả, như tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần củng cố đoàn kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN, các sáng kiến về phát triển bền vững và gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Những đóng góp đó được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện qua việc Việt Nam được tín nhiệm bầu làm: thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (1998-2000 và 2016-2018); Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021); Chủ tịch ASEAN (năm 2010); thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2013-2014); thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2014-2017); thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019); Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021); Ủy ban Luật thương mại quốc tế (2019-2025)…
Việt Nam còn góp mặt trong nhiều diễn đàn đa phương, như Hội nghị G7 mở rộng, Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong Nhật Bản, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu, Kỳ họp đại hội đồng Liên hợp quốc...
Hiện nay, dù vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm và sự đồng lòng của toàn dân tộc, tin rằng chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, vươn xa hơn nữa trong quá trình xây dựng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo TTXVN